Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Sau tai biến, ăn gì mau khỏe?

Bên cạnh chế độ chăm sóc đặc biệt để làm giảm hoặc ngăn biến chứng tiến triển sau tai biến thì chế độ ăn hợp lý cũng giúp tăng khả năng phục hồi cho bệnh nhân.

Để người bệnh mau khỏe cần đảm bảo cung cấp đủ năng lượng trung bình khoảng 25-35 kcal/kg/ngày và chất dinh dưỡng để tránh tình trạng bệnh nhân bị đói. Lượng tinh bột nên chiếm khoảng 55-65% năng lượng, chất đạm chiếm khoảng 12-18% và chất béo chiếm khoảng 18-25%.
Điều nên làm: Ăn nhiều cá, các loại đậu…

- Trong khẩu phần ăn, nên ăn nhiều cá (3-5 bữa/tuần) vì chất béo omega-3 có trong cá tốt cho tình trạng rối loạn mỡ máu hoặc xơ vữa động mạch.

- Chất đạm có nhiều trong họ đậu (đậu nành) giúp giảm nguy cơ của bệnh tim mạch. Do vậy nên sử dụng trong khẩu phần hàng ngày.

- Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (cơm gạo lứt, bánh ướt…) giúp hạn chế đường trong máu tăng cao.

- Thức ăn nên được nấu chin, nhừ để cơ thể dễ tiêu hóa hấp thụ.

- Tăng cường ăn rau, củ, trái cây sậm màu để cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ cần thiết giúp cơ thể mau hồi phục, chống táo bón…
Cần hạn chế: Thức ăn chua cay, đồ chiên xào, chứa nhiều muối…
Thức ăn nhanh cũng là thực phẩm người sau tai biến nên hạn chế sử dụng

Trong khẩu phần và cách chế biến món ăn cho bệnh nhân bị tai biến cần lưu ý:

- Hạn chế hoặc tránh các loại thức ăn có nhiều gia vị gây kích thích như chua cay.

- Hạn chế thức ăn mặn, chế biến sẵn có chứa nhiều muối (chả lụa, mì gói, xúc xích, các loại mắm, dưa cà muối…) vì có thể làm tăng huyết áp và gây tái phát tai biến hoặc phù do cơ thể giữ nước. Lượng muối ăn hàng ngày (bao gồm luôn lượng muối trong nước chấm, bột nêm, bột ngọt…) khoảng 5g (1 muỗng cà phê).

- Hạn chế thức ăn chiên xào, thịt mỡ, nội tạng động vật vì a xit béo no (có nhiều trong thịt mỡ, bơ động vật, nội tạng) hay axit béo thể trans (có trong thức ăn nhanh, đồ chiên, xào ở nhiệt độ cao) gây tăng cholesterol xấu, triglyceride và giảm cholesterol có lợi, tăng nguy cơ bệnh tim mạch gây tái phát tai biến.

Có chế độ chăm sóc đặc biệt cho người nằm liệt một chỗ

Trường hợp bệnh nhân sau tai biến bị liệt cơ hầu họng, làm ảnh hưởng đến quá trình nuốt thỉ người nhà cần chú ý khi cho bệnh nhân ăn vì dễ bị sặc. Điều này có thể gây ra biến chứng viêm phổi do hít phải thức ăn hoặc thức ăn có thể trào ngược từ dạ dày lên thực quản gây viêm thực quản. 

Đối với những trường hợp này, nên nuôi ăn qua ống. Thức ăn nên được chế biến dưới dạng lỏng. Để có thể đảm bảo năng lượng cho bệnh nhân, có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng trong việc dùng thêm men tiêu hóa có nguồn gốc tự nhiên để giúp làm loãng thức ăn.
Nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày để cơ thể người bệnh dễ tiêu hóa và hấp thụ cũng như cung cấp được đầy đủ dinh dưỡng và tránh tình trạng dạ dày bị căng tức.
Bệnh nhân bị liệt hoặc hôn mê do tai biến phải nằm một chỗ lâu ngày nên nguy cơ bị viêm loét rất cao. Vì vậy, người nhà cần có chế độ chăm sóc và vệ sinh thích hợp, thường xuyên. Có thể giúp người bệnh ngồi dậy hoặc lật người qua lại.
Trường hợp bệnh nhân bị loét thì trong chế độ ăn cần được xem xét lại, có thể bổ sung thêm chất đạm, các chất chống ô-xy hóa (vitamin A, E và C) từ các loại rau củ quả thịt trứng để vết thương mau lành hơn.
Theo TS.BS Lê Nguyễn Trung Đức Sơn - Gia đình và Xã hội

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons