Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Đừng coi thường nguy cơ đột quỵ não!

Người bị đột quỵ là một người đang khỏe mạnh đột nhiên gục xuống liệt nửa người, có thể hôn mê, dù được điều trị tích cực vẫn đi đến tử vong hoặc sống với các di chứng nặng nề mà thực sự là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chỉ có một số ít người là có thể hồi phục hoàn toàn hay gần hoàn toàn và có thể trở lại phần nào với sinh hoạt và công việc.
Đột quỵ xảy ra là do não bộ bị tổn thương, có thể do các mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn gây thiếu máu não, hoặc do mạch máu bị vỡ ra gây chảy máu não. Hầu hết các trường hợp xảy ra một cách đột ngột mà không có triệu chứng báo trước. Triệu chứng phổ biến nhất là người bệnh đột ngột thấy tê, yếu hoặc liệt một nửa người, méo miệng, nói đớ lưỡi, không nói được, hoặc không hiểu lời người khác nói. Cũng có thể đột nhiên bị mù mắt, chóng mặt, có thể nhức đầu dữ dội, nôn ói, lơ mơ hoặc hôn mê thực sự.
Điều trị như thế nào?
Tại bệnh viện, chụp CT để có thể giúp phân biệt thiếu máu não với chảy máu não. Trong trường hợp thiếu máu não do tắc nghẽn mạch: có thể truyền đường tĩnh mạch rtPA là một loại thuốc làm tan cục máu đông, tái lập lại dòng máu đi lên nuôi não (nếu bệnh nhân đến sớm trong vòng 3 - 4,5 giờ đầu kể từ khi xảy ra đột quỵ, cùng với nhiều các tiêu chuẩn nghiêm ngặt khác); có thể can thiệp nội mạch luồn một catête vào động mạch vào tới chỗ mạch máu bị tắc nghẽn để bơm thuốc làm tan cục máu đông hoặc dùng dụng cụ trực tiếp lấy bỏ cục máu đông (nếu bệnh nhân đến trước 6 - 8 giờ đầu). Trong trường hợp chảy máu não: một số trường hợp có thể can thiệp nội mạch đặt cuộn xoắn vào túi phình động mạch bị vỡ hoặc can thiệp phẫu thuật như mở sọ lấy khối máu tụ, mở sọ kẹp túi phình động mạch bị vỡ…
Đừng coi thường nguy cơ đột quỵ não!
Như vậy, việc điều trị đột quỵ là vô cùng khó khăn và phức tạp, tiếp sau đó là phải có một quá trình tập vật lý trị liệu trong nhiều tháng nhiều năm để giúp phục hồi phần nào về chức năng. Cho nên, điều quan trọng hơn cả là phải làm gì để ngừa đột quỵ xảy ra cũng như để phòng đột quỵ tái phát. Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm: tuổi (càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh), giới (nam giới dễ mắc bệnh hơn nữ giới), tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ trong máu, xơ vữa động mạch, các bệnh tim mạch, tình trạng thừa cân, béo phì và các thói quen có hại như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động… Ngoài ra, những người đã một lần bị đột quỵ, đã bị bệnh mạch vành tim hoặc nhồi máu cơ tim, hoặc đã bị các bệnh xơ vữa động mạch ở chân, ở động mạch chủ… là những người có nguy cơ đặc biệt cao của đột quỵ tái phát.
Làm sao phòng ngừa?
Để phòng bệnh, cách tốt nhất là phát hiện và loại trừ các yếu tố nguy cơ nói trên, cụ thể:
- Thay đổi lối sống: tăng cường vận động, tránh ngồi một chỗ, tận dụng các cơ hội tăng cường vận động trong sinh hoạt hằng ngày như: dùng thang bộ, đi bộ nếu quãng đường không xa…
- Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi lần, 5 ngày mỗi tuần. Chú trọng những bài tập thể dục gắng sức vừa phải nhưng kéo dài, tránh những gắng sức quá mức trong khoảng thời gian ngắn (ví dụ tập tạ).
- Chế độ ăn hợp lý: giảm nêm nếm mắm muối, không ăn những món kho mặn, các loại mắm, cá khô, dưa cà muối…; ăn nhiều rau, trái cây, giảm mỡ béo, đường bột.
Giảm cân tích cực nếu béo phì bằng các biện pháp ăn kiêng và tập luyện.
- Điều trị tăng huyết áp nếu có, giữ huyết áp ở mức tối ưu, không quá 120/80mmHg, uống thuốc đúng theo toa thường xuyên, tái khám đầy đủ để điều chỉnh thuốc khi cần, theo dõi huyết áp định kỳ. Điều trị tăng huyết áp là việc phải làm suốt đời, tránh một sai lầm thường gặp là chỉ uống thuốc khi nào thấy mệt, hoặc thỉnh thoảng đo huyết áp thấy cao mới uống, hoặc uống được một thời gian thấy huyết áp ổn thì cho là đã khỏi bệnh và ngưng thuốc cũng như ngưng ăn kiêng.
- Điều trị đái tháo đường với chế độ ăn và uống thuốc hoặc chích thuốc theo toa, cộng với thử máu kiểm tra đường huyết định kỳ. Đây cũng là một bệnh phải theo dõi điều trị suốt đời, tương tự như điều trị tăng huyết áp.
- Điều trị rối loạn mỡ trong máu bằng chế độ ăn và thuốc uống nếu cần, định kỳ kiểm tra lại xét nghiệm mỡ trong máu theo chỉ định của bác sĩ.
- Theo dõi và điều trị các bệnh lý tim mạch nếu có theo chỉ định của bác sĩ tim mạch.
- Ngưng các thói quen có hại: bỏ hoàn toàn thuốc lá; rượu bia nếu có uống thì không quá một lon bia hoặc một ly nhỏ rượu vang đỏ mỗi ngày.
- Nếu có các bệnh lý đặc biệt như hẹp nặng động mạch cảnh do xơ vữa động mạch thì phải điều trị tích cực bằng thuốc, nong rộng chỗ hẹp, hoặc phẫu thuật bóc mảng xơ vữa gây hẹp, tùy theo chỉ định của bác sĩ thần kinh và mạch máu.
- Cần uống các thuốc ngăn ngừa tắc mạch máu như: aspirin, hoặc các thuốc thế hệ mới có hiệu quả hơn, theo chỉ định của bác sĩ. Việc uống thuốc thường là liên tục, lâu dài, có thể đến suốt đời.
Việc tầm soát các yếu tố nguy cơ mắc bệnh, theo dõi, và điều trị như trên có thể được thực hiện tại các phòng khám thần kinh các bệnh viện. Bệnh nhân cũng có thể liên hệ phòng khám thần kinh hoặc phòng khám đột quỵ của các bệnh viện để được tư vấn, theo dõi và điều trị một cách hiệu quả nhất.
ThS.BS. NGUYỄN BÁ THẮNG

Khoa Thần Kinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM



Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Bệnh tai biến tăng cao khi trời nóng

ào mùa hè, nhiệt độ tăng cao, cơ thể dễ mất nước do đổ mồ hôi để điều hòa thân nhiệt. Quá trình này làm tăng chất dịch nhày trong máu, đồng thời các mạch máu trở nên lồi lõm làm gia tăng sự hình thành cục máu đông. Khả năng điều nhiệt kém của cơ thể theo tuổi tác khiến nhóm người cao tuổi dễ gặp nguy cơđột qụy.
anh-sua1-7755-1433738171.jpg
Biểu đồ mối quan hệ giữa nhiệt độ và bệnh nhồi máu não.
Dấu hiệu nhận biết sớm nguy cơ tai biến gồm nhức đầu không rõ nguyên nhân; chóng mặt; mất thăng bằng; suy giảm trí nhớ; mất ngủ; đột nhiên nhìn mờ ở một hoặc cả hai mắt; tê bì tay chân, hoặc tay chân nóng đỏ và dần yếu; nói ú ớ hoặc không hiểu người khác đang nói; toát mồ hôi lạnh, mệt mỏi... 
Tuy nhiên, một số triệu chứng nhận biết sớm nguy cơ đột quỵ lại khá giống với biểu hiện say nắng mùa hè nên nhiều người thường bỏ qua. Điều này làm tăng nguy cơ tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn cho người bệnh. Biện pháp đề phòng là ngăn ngừa sự hình thành và làm tan cục máu đông, đặc biệt trong mùa hè nhiệt độ cao.
polyad
Theo các chuyên gia, để ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông vào mùa hè, cần uống nhiều nước, mặc quần áo phù hợp, tránh ra ngoài khi nắng gắt. Đặc biệt, người bệnh nên có chế độ phòng ngừa sự hình thành cục máu đông từ khi nó chưa hình thành hoặc chưa nghiêm trọng dẫn đến biến chứng tai biến.

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Bệnh động kinh những điều cần biết, nên làm và nên tránh

Điều mà bạn cần phải biết ngay khi nói đến loại bệnh tâm thần này là có thể chữa khỏi, dứt hẳn nếu tuân thủ đúng sự hướng dẫn của BS chuyên khoa tâm thần.

Bạn biết gì về  bệnh động kinh?

Là bệnh mà trong dân gian còn gọi là kinh phong, phong xù, kinh giật. Đó là một trạng thái bệnh lý của não bộ do sự phóng điện đột ngột quá mức của tế bào thần kinh gây ra các cơn co giật cục bộ hoặc lan tỏa trong thời gian từ vài giây đến vài phút, có tính chất lập đi lập lại.

Đây là loại bệnh khá phổ biến chiếm tỷ lệ từ  0,4 – 0,5 % dân số.

Bệnh có thể gây ra chậm phát triển trí tuệ, nếu phát bệnh càng nhỏ tuổi và chữa trị không ổn định, gây trở ngại đến việc học tập, lao động. Về lâu dài có thể làm thay đổi nhân cách, tính tình gây phiền phức cho bản thân và những người chung quanh, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, có thể chữa khỏi, bệnh ổn định lâu dài, gia đình hạnh phúc, xóm làng yên vui.

Bạn có biết những nguyên nhân nào gây ra bệnh động kinh để có thể phòng ngừa ?

Có thể gặp như :

- Chấn thương sọ não các loại (hiện nay thường do chủ yếu là tai nạn giao thông chiếm phần lớn, trong đó tình trạng say rượu, nghiện ma túy góp phần không nhỏ: do tai nạn lao động )

- Các bệnh của não bộ như: tai biến mạch máu não (chảy máu não, nhũn não), u não, viêm não, các loại ngộ độc rượu , ma túy, hóa chất...

- Ngoài ra còn có những loại bệnh động kinh nguyên phát không rõ lý do

Bạn biết những biểu hiện lâm sàng của cơn động kinh như thế nào ?

 Có nhiều biểu hiện nhưng thường gặp là:

Động kinh toàn thể: dễ chẩn đoán, cơn xuất hiện rất đột ngột, người bệnh thường kêu lên một tiếng rồi ngã lăn ra, ngay lập tức mất ý thức hoàn toàn. Cơn thường trãi qua 3 giai đoạn :

- Giai đoạn co cứng (kéo dài trong khoảng chừng một phút): co cứng toàn bộ các cơ tứ chi, cơ ở thân, ở ngực, hai tay co, hai chân duỗi. Hậu quả gây ngưng thở, tím tái, có thể cắn vào lưỡi.

- Giai đoạn co giật cơ (kéo dài trong khoảng chừng một vài phút): giật cơ từng đợt đều đặn có nhịp, hai mắt trợn trừng, nhấp nháy, miệng sùi bọt có lẫn máu.

- Giai đoạn hôn mê, lú lẫn: sau giai đoạn co giật người bệnh vào giai đoạn hôn mê sâu, thở rống, đái trong quần. Sau đó lúc tỉnh dậy thấy đau đầu, mõi mệt.

- Có thể gặp cơn không điển hình, người bệnh chỉ mất ý thức, té ngã.

Cơn vắng ý thức

Đặc trưng bởi sự đột ngột mất ý thức, ngừng mọi hoạt động trong thời gian rất ngắn vài chục giây. Lúc đó họ như đờ đẫn, mắt nhìn vô hồn, đánh rơi viết, đồ vật đang cầm hoặc chữ viết bỗng trở nên nguệch ngoạc. Rất nguy hiểm nếu bạn đang điều khiển phương tiện lưu thông, trèo cao…

Động kinh cục bộ: ngoài ra còn có thể gặp các cơn co giật cục bộ ở mặt, một phần chi…

Động kinh thái dương: còn gọi là động kinh tâm thần. Rất phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm mới có thể chẩn đoán được vì biểu hiện của nó rất giống rối loạn tâm thần.

Bạn có biết các biến chứng nào của bệnh động kinh có thể xảy ra?

Ngoài những rối loạn tâm thần trong cơn, về lâu dài nếu không được điều trị tích cực, có thể thấy các biến chứng sau đây:

- Biến đổi nhân cách, tính tình: người bệnh trở nên ích kỷ, độc ác, dễ giận dữ, có tính thù vặt, tư duy lai nhai, rất phiền hà cho gia đình và những người mà bệnh nhân tiếp xúc.

- Lâu hơn nữa có thể mất trí ( sa sút tâm thần do bệnh động kinh).

- Nếu không kiểm soát được cơn động kinh, người bệnh có thể lên cơn lúc đang làm việc gây ra tai nạn như phỏng, té xe, ngã sông có thể tử vong nếu không có người cứu kịp thời.

Theo bạn thì điều trị và chăm sóc người bệnh động kinh  tại nhà như thế nào?

Cần nhắc lại, bệnh động kinh nếu phát hiện sớm, điều trị đúng có thể khỏi bệnh, ổn định lâu dài. Người bệnh vẫn phát triển trí tuệ, có thể học tập, lao động bình thường.

Những điều bạn nên làm và cần tránh :

Nên làm:
- Khi phát hiện người thân của bạn có những biểu hiện lâm sàng của bệnh như đã kể trên thì bạn cần phải làm gì?  Tốt nhất là nên đến Trạm Y Tế gần nhất để được hướng dẫn.

- Khi đã được khám, có chẩn đoán, cho dùng thuốc thì: nhắc nhở, động viên

Uống thuốc đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Uống đủ liều, đủ thời gian.

Không được tự ý ngưng thuốc, bỏ thuốc, đổi thuốc mà không có ý kiến của BS vì có thể làm xuất hiện cơn động kinh  liên tục rất nguy hiểm đến tính mạng. Và báo BS biết ngay các triệu chứng bất thường khi đang dùng thuốc.

Khi có cơn động kinh xảy ra, bạn cần phải làm gì? Trước hết bạn phải biết rằng không thể ngăn được một khi cơn động kinh đã xảy ra. Để hạn chế tối đa các thương tổn do co giật có thể gây ra bạn có thể bằng các cách làm đơn giản như sau:

- Ngáng lưỡi bằng đủa có quấn khăn hay dùng miếng cao su cứng để tránh cắn phải lưỡi.

- Nới rộng cổ áo, thắt lưng để bệnh nhân dễ thở hơn.

- Lót dưới đầu bệnh nhân mền hay gối để giảm sang chấn khi co giật.

- Bạn có thể dùng tay đè lên các khớp lớn như khớp gối để giảm nguy cơ trật khớp do co giật.

- Sau cơn, nếu có điều kiện bạn nhớ hút đàm nhớt, để đầu bệnh nhân nghiêng một bên để tránh làm tắt đường thở do dị vật (đàm nhớt, thức ăn, răng giả…. )

- Bạn cần ở bên cạnh trông chừng vì sau cơn một số bệnh nhân có lú lẫn, hành vi vô ý thức có thể nguy hiểm cho bản thân và người khác.

- Điều bạn phải cương quyết là tuyệt đối không được nhỏ chanh, cam thảo hay bất cứ chất nào khác vào miệng bệnh nhân vì không những không cắt được cơn mà còn có nguy cơ làm tắt đường thở gây tử vong.

- Bạn cần có thái độ thông cảm, tôn trọng người bệnh vì ngoài cơn họ là người bình thường như mọi người.

- Bạn phải thương yêu, nâng đỡ, tạo điều kiện cho người bệnh bớt mặc cảm bệnh tật, tạo không khí thoải mái, vui chơi, giải trí để họ có thể phát huy việc học, lao động kiếm sống.

- Bạn phải bảo quản thuốc kháng động kinh thật cẩn thận vì liều gây ngộ độc, chết thấp

Những điều bạn không nên làm :
- Không được chữa thầy bùa, làm phép. Không những bệnh không thuyên giảm mà còn làm mất đi thời gian quý báu ban đầu.

- Bạn khuyên người bệnh không nên làm các công việc nguy hiểm như trèo cao, lái xe, vận hành máy móc, công việc liên quan đến sông nước vì có nguy cơ xảy ra tai nạn chết người nếu bất chợt xảy ra cơn động kinh .

- Sống chừng mực, điều độ, không được làm việc, học tập quá mức, không được say xỉn. Người bệnh động kinh không nên xem tivi truyền hình, chơi vi tính  quá lâu có thể làm cơn động kinh xuất hiện.

- Và bạn có biết việc chăm sóc, điều trị, quản lý người bệnh động kinh, trả họ về với đời thường còn cần rất nhiều sự hổ trợ của nhà nước, của Hội Bảo trợ người bệnh động kinh.

Theo BS Trần Duy Tâm - BV Tâm thần TPHCM

Thay đổi dòng chảy cứu người phình động mạch não

Nhập viện trong tình trạng nguy kịch với túi phình động mạch não, bệnh nhân 62 tuổi được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) đặt stent thay đổi dòng chảy qua túi phình.

Bệnh nhân 62 tuổi ngụ Biên Hòa, Đồng Nai, nhập viện trong tình trạng nhức đầu dữ dội và huyết áp cao. Kết quả thăm khám và hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy bệnh nhân có túi phình lớn động mạch cảnh trong trái ở não.
Các bác sĩ đã giúp bệnh nhân đặt một stent thay đổi dòng chảy ngang qua túi phình, qua đó túi phình dần dần co nhỏ và tắc. Thủ thuật thực hiện trên máy DSA hiện đại với những chức năng giúp bác sĩ dễ dàng đặt stent đúng vị trí như mong muốn. Sau can thiệp, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, sinh hiệu ổn, dự kiến sẽ xuất viện vào cuối tuần này và tiếp tục theo dõi, tái khám định kỳ.
Đây là ca thứ ba mà bệnh viện thực hiện thành công theo phương pháp này. Phình động mạch cảnh là bệnh lý bẩm sinh có sẵn từ trước, tỷ lệ gặp không cao, tùy thuộc vùng thương tổn. Nếu phát hiện và xử trí kịp thời sẽ cứu sống người bệnh.Trước đây, gặp những trường hợp này, các bác sĩ điều trị bằng những phương pháp cũ như thắt lại động mạch bị phình, thả vòng xoắn kim loại làm đầy túi phình hoặc phẫu thuật cắt túi phình để điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên bệnh nhân có tỷ lệ tái phát cao.
Phương pháp đặt một stent ngang qua cổ làm thay đổi dòng chảy, hạn chế dòng chảy qua túi phình là một đột phá trong điều trị đối với các túi phình có kích thước lớn, phình dạng hình thoi mà trước đây các phương pháp can thiệp khác vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này góp phần điều trị triệt để các tổn thương phức tạp, cứu sống người bệnh thoát khỏi tử vong trong gang tấc và những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Chi phí thấp hơn so với các phương pháp truyền thống.
Theo Lê Phương - VnExpress

Bệnh động kinh và con đường đi tìm lời giải

Bệnh động kinh đã được biết đến từ rất lâu, bệnh không chỉ nguy hiểm bởi những ảnh hưởng trên thể chất người bệnh mà còn do những tác động tâm lý mà nó mang lại.

Người bệnh động kinh có những thế kỷ phải sống trong sợ hãi, xa lánh, kì thị của người xung quanh, điều này đôi khi làm hủy hoại cuộc sống của cả bản thân người bệnh và cả gia đình.
Ngày nay, dưới ánh sáng của khoa học, bệnh Động kinh đã được nhìn nhận lại dưới quan điểm đúng đắn hơn và việc điều trị bệnh cũng đã có những bước tiến khả quan, thậm chí nhiều người bệnh có thể hoàn toàn trở lại cuộc sống bình thường.
Bệnh động kinh có phổ biến không?
Trên thế giới trung bình cứ 1.000 dân thì có 7 người mắc bệnh động kinh.Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở những nước đang phát triển như ở Việt Nam - con số này có thể gấp đôi.
Ở nước ta hiện nay có khoảng 800.000 người bệnh động kinh đang được quản lý và điều trị. Con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều do khả năng nhận thức bệnh còn thấp và việc tuân thủ điều trị chưa tốt.
Nguyên nhân nào gây bệnh động kinh?

Sự phóng điện bất thường - nguyên nhân gây bệnh động kinh
Hiện nay, các trường hợp động kinh vẫn chủ yếu là không rõ nguyên nhân (Động kinh vô căn) - chiếm tới 6/10 trường hợp. Các trường hợp tìm được nguyên nhân (Động kinh thứ phát) nguyên nhân thường có liên quan đến các tổn thương não như: tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, viêm màng não, áp xe não, u não, rối loạn chuyển hóa, nhiễm độc…
Việc chẩn đoán động kinh thông thường sẽ dựa trên triệu chứng lâm sàng điển hình: cơn động kinh, rối loạn vận động, cảm giác… Bên cạnh đó, một số bằng chứng cận lâm sàng như điện não đồ, cộng hưởng từ… cũng rất có ý nghĩa trong việc chẩn đoán bệnh. Việc khai thác căn nguyên gây bệnh có thể là yếu tố phối hợp để điều trị đạt hiệu quả tốt hơn.
Bệnh động kinh có chữa khỏi được không?
Theo những ghi nhận các ca bệnh trên toàn thế giới cho thấy việc điều trị động kinh có những dấu hiệu rất tích cực: có đến 70% bệnh nhân có thể cắt cơn được hoàn toàn, ở cả bệnh nhi và người lớn. Sau từ 2 đến 5 năm điều trị thành công, có thể dừng thuốc được ở 70% trẻ em và 60% người lớn mà không có nguy cơ tái phát lại.
Liệu pháp điều trị chính hiện nay vẫn là dùng các thuốc kháng động kinh. Tuy nhiên bên cạnh hiệu quả điều trị thì thuốc điều trị bệnh động kinh vẫn gây ra những mối lo ngại về tác dụng không mong muốn, đặc biệt khi phải dùng trong thời gian dài. Vì vậy, bên cạnh việc điều trị các thuốc hóa dược, việc ứng dụng y học cổ truyền vào chữa trị động kinh cũng đang là một hướng đi rất được quan tâm.
Hai trong số những vị thuốc đầu bảng trong trị động kinh là An tức hương và Câu Đằng. Với kinh nghiệm sử dụng lâu đời, cũng như những kết quả đáng mừng từ những nghiên cứu hiện đại, việc sử dụng và phối hợp hai vị thuốc này để tăng cường hiệu quả trị động kinh đang là hướng đi đầy triển vọng. 

Lời khuyên hữu ích cho người bệnh động kinh

Bệnh động kinh (epilepsy) hay còn gọi là rối loạn co giật, là một bệnh tâm thần, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Một người được cho là mắc bệnh động kinh khi bị từ hai cơn co giật không rõ nguyên nhân trở lên.
Lưu ý, những người thường xuyên lên cơn co giật mà không có dấu hiệu cảnh báo cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn và phương pháp phòng ngừa hơn so với những người có dấu hiệu cảnh báo trước khi cơn động kinh xảy ra.
Dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích và bảo đảm an toàn cho bệnh nhân động kinh:
- Thiết kế nhà không có cầu thang, nhằm tránh tình trạng bị tai nạn do té ngã dẫn đến chấn thương khi cơn động kinh xảy ra đột ngột.
- Sử dụng các dụng cụ điện gia dụng có chức năng tắt tự động.
- Gắn những miếng đệm vào các góc bàn hoặc các đồ nội thất có góc cạnh.
- Các thành viên trong gia đình không nên để người bị động kinh (không thể kiểm soát) ở trong phòng một mình, đặc biệt là trong nhà bếp khi đang đun nấu.
- Sử dụng các dụng cụ và thùng chứa bằng nhựa.
- Đun nấu bằng lò vi sóng thay vì bếp lò.
- Sử dụng thực phẩm như thịt, cá… đã được cắt sẵn để khỏi cần sử dụng đến dao.
- Người bệnh động kinh không nên khóa trái phòng tắm khi đang ở trong đó, để mọi người có thể vào giúp đỡ trong trường hợp cơn động kinh bất ngờxảy ra.
- Cần để các loại dụng cụ điện gia dụng như bàn ủi, máy sấy… xa chậu rửa hoặc bồn tắm.
- Luôn giữ nhiệt độ máy nước nóng ở mức thấp để ngừa nguy cơ bị bỏng.
- Lên kế hoạch cho các hoạt động vào khoảng thời gian khi cơn động kinh ít xảy ra nhất (nếu các cơn động kinh thường xảy ra vào một thời điểm nhất định).
- Khi tập thể dục, cần uống nhiều nước và tránh những nơi có nhiệt độ cao để giảm nguy cơ lên cơn động kinh.
- Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện các chương trình luyện tập mới.
Theo N.N - Phụ nữ TPHCM

Trầm cảm làm gia tăng nguy cơ mắc Parkinson

Theo một nghiên cứu mới, những người bị trầm cảm sẽ gia tăng nguy cơ phát triển bệnh rối loạn vận động Parkinson sau này.

Để có được kết quả trên, GS Peter Nordstrom - một trong các tác giả nghiên cứu, thuộc ĐH Umeå (Thụy Điển) cùng các cộng sự đã tập hợp số liệu của tất cả các công dân Thụy Điển có tuổi từ 50 tuổi trở lên tính đến ngày 31/12/2005. Sau khi phân loại, họ đã lấy dữ liệu của 140.688 người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm từ năm 1987 đến 2012.

Trầm cảm làm gia tăng nguy cơ mắc Parkinson - Ảnh 2

Những người tham gia sau đó đã được theo dõi trong khoảng thời gian 26 năm. Tổng cộng có 1.485 người bị trầm cảm (1,1%) đã phát triển bệnh Parkinsontrong thời gian này so với 1.775 trường hợp không bị trầm cảm (0,4%).
Tính trung bình, bệnh Parkinson đã được chẩn đoán sau 4,5 năm khi nghiên cứu được bắt đầu. Các tác giả tính toán, những bệnh nhân trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh Parkinson gấp 3,2 lần so với những người không có bệnh trầm cảm trong năm đầu tiên nghiên cứu. Tiếp theo đó, sau 15 - 25 năm, họ phát hiện, gần 50% bệnh nhân trầm cảm có nguy cơ phát triển bệnh.
Đặc biệt, nếu người tham gia bị trầm cảm nghiêm trọng, khả năng phát triển bệnh Parkinson cũng cao hơn. Ví dụ, những người đã nhập viện cho bệnh trầm cảm bằng hoặc nhiều hơn 5 lần đã gia tăng 40% khả năng phát triển bệnh Parkinson so với những người nhập viện vì trầm cảm chỉ có một lần.
GS Nordstrom đặt ra giả thiết giải thích cho những phát hiện của họ. Chẳng hạn như "trầm cảm có thể là một triệu chứng sớm của bệnh Parkinson" hoặc "môi trường chính là yếu tố chung tạo ra mối liên kết giưa bệnh trầm cảm và Parkinson".
Các tác giả cũng thừa nhận, nghiên cứu này chỉ mang tính quan sát, họ không thể đánh giá vai trò tiềm năng của các chất được sử dụng trong điều trị chống trầm cảm cũng như các yếu tố nguy cơ đối với bệnh Parkinson.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Neurology.
Bệnh Parkinson là một rối loạn của hệ thần kinh ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, kỹ năng nói và viết. Parkinson cũng có thể gây ra các vấn đề về nhận thức và cảm nhận khó khăn về thế giới xung quanh cho người bệnh.
Theo M.Hiếu - Health+

Liệt dây thần kinh số 7 phải làm sao?

Liệt mặt chính là liệt dây thần kinh số 7. Bệnh có đặc điểm là phục hồi nhanh, song dễ để lại di chứng về vận động, thẩm mỹ nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

Liệt dây thần kinh số 7 do đâu?
Dây thần kinh số 7 là dây hỗn hợp, có đầy đủ chức năng của một dây thần kinh ngoại vi (vận động, cảm giác, thực vật, dinh dưỡng và phản xạ).Dây thần kinh ngoại biên số 7 nằm từ rãnh hành cầu đi ra ngoài và chia thành 3 đoạn trong sọ, xương đá (từ lỗ tai trong đến lỗ tai chum) và ngoài xương đá với 2 nhánh ở thái dương và ở cổ.
Liệt dây thần kinh số 7 phải làm sao?Liệt dây thần kinh số 7 phải làm sao?
Liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 là do hiện tượng mất hoặc giảm vận động nửa mặt của những cơ bản da ở mặt do dây thần kinh 7 chi phối. Mặt người bệnh bị kéo lệch gây méo mồm, mắt không nhắm được.
Liệt mặt do tổn thương dây thần kinh số 7 là một bệnh rất phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng thường gặp nhất là do lạnh.Bệnh xuất hiện ở cả hai giới, mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở tuổi trên 30.
Khi bị liệt dây thần kinh số 7 phải làm sao?
Khả năng phục hồi của dây thần kinh số 7 phụ thuộc vào nhiều yếu tố: nguyên nhân gây ra tổn thương, vị trí tổn thương, mức độ thương tổn, thời gian bị tổn thương,…Phát hiện sớm và điều trị sớm đóng vai trò quan trọng cho kết quả điều trị.
Các phương pháp điều trị bao gồm nội khoa, châm cứu… thường đáp ứng với những trường hợp tổn thương dây thần kinh số 7 thể nhẹ, chủ yếu do phù nề, chèn ép... Còn với những tổn thương thực thể như đứt, dập nát, thường khả năng phục hồi kém, lúc này vấn đề điều trị ngoại khoa được đặt ra để giải quyết nguyên nhân hoặc khắc phục các tổn thương.
Theo Phương Vũ - Gia đình Việt Nam

Hay bị chóng mặt và rung giật mắt là bệnh gì?

Cháu 18 tuổi, đã 2 năm nay cháu có tình trạng chóng mặt nhẹ (mất thăng bằng) với tần suất khoảng 3-6 tháng/lần. Trước đây chỉ 1-2 ngày là hết nhưng gần 1 năm nay, khi cháu tái phát tình trạng này thì kéo dài đến hàng tháng. Bây giờ cháu đang trong thời gian ôn thi đại học mà lại bị tái phát ảnh hưởng đến học tâp nên cháu rất lo lắng. Ngoài chóng mặt cháu còn thấy bị rung giật ở mắt. Xin bác sĩ tư vấn cho cháu ạ.
Bảo Bình (Hà Nội)
Trả lời:
Chóng mặt có rất nhiều nguyên nhân: do thiếu máu, do thiểu năng tuần hoàn não, do rối loạn tiền đình ốc tai, do suy nhược cơ thể. Tùy nguyên nhân mà biểu hiện lâm sàng có khác nhau. Chóng mặt do thiếu máu thường đi kèm da xanh, niêm mạc nhợt, người mệt, tim hồi hộp.
Ở tuổi vị thành niên nữ hay gặp thiếu máu do thiếu sắt. Nguyên nhân có thể do dinh dưỡng không đủ, do mắc bệnh ký sinh trùng (giun, sán...), do bệnh đường tiêu hóa như viêm ruột, dạ dày nên hấp thụ dinh dưỡng kém, do kinh nguyệt kéo dài, băng kinh gây mất nhiều máu... 
Ngoài nguyên nhân thiếu máu thì chóng mặt do suy nhược thần kinh, mất ngủ kéo dài, stress... Trong đó, đặc biệt chú ý tới bệnh lý tai trong (rối loạn tiền đình) là nguyên nhân rung giật nhãn cầu và gây chóng mặt, tuy nhiên nguyên nhân sâu xa vẫn là do thiếu máu nuôi dưỡng tiền đình ốc tai mà sinh bệnh, hoặc chấn thương vùng đầu, tai trong.
Trong thư cháu nói bệnh đã 2 năm nhưng lại không thấy nói đã khám ở đâu, làm những xét nghiệm gì và đã điều trị như thế nào? Hơn nữa tình trạng bệnh của cháu lại kéo dài hàng tháng như vậy sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và việc học tập. Vì vậy, tôi khuyên cháu nên nói tình trạng sức khỏe với gia đình để gia đình bố trí thời gian đưa cháu đi khám chuyên khoa thần kinh hoặc chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.
Theo BS. Nguyễn Văn Thịnh - Sức khỏe & Đời sống

Càng sinh nhiều con càng hay quên

Các nhà khoa học Đại học Bristish Columbia vừa cho biết, sự gia tăng hormon estrogen trong thời gian mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của những bộ phận quan trọng nhất trong hệ thần kinh trung ương của người phụ nữ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer khi về già. Trong nghiên cứu, họ đã phát hiện ra rằng, lượng estrogen trong thời kỳ mang thai có thể cao hơn gấp vài trăm lần so với mức bình thường, thay đổi tạo hình thần kinh của não bộ hay sự tái sinh của các tế bào thần kinh khu vực chịu trách nhiệm về trí nhớ và nhận biết không gian. Họ đã phân tích hai loại estrogen được sử dụng để điều trị triệu chứng của phụ nữ mãn kinh, các nhà nghiên cứu nhận thấy chúng có tác động phức tạp tùy thuộc độ tuổi cũng như việc sinh con. Estradiol - dạng mạnh nhất của estrogen, cho thấy tác dụng tăng cường sản sinh tế bào mới trong tế bào thần kinh, cũng như kéo dài tuổi thọ của tế bào thần kinh đối với những con chuột cái chưa già. Trong khi đó, đối với những con chuột cái trung tuổi, estrone - một dạng khác của estrogen, làm giảm khả năng học và ghi nhớ đối với những con chuột từng sinh sản, song lại có tác dụng tốt đối với những con chưa từng có con.
TS . Liisa Galea cho biết: Phụ nữ thường thấy trí nhớ giảm sút trong thời gian mang thai. Đặc biệt, trí nhớ ở những người từng sinh con sụt giảm nhanh hơn hẳn so với người không có con khi ở tuổi trung niên. Nhưng sau khi sinh con khoảng 2 năm, trí nhớ của họ sẽ cải thiện trở lại.
Minh Nhung (Theo Independent , 5/2015)

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons