Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Điều cần biết về chứng bại não

Bại não (hay liệt não) là tổn thương một hoặc nhiều phần của bộ não có chức năng điều khiển vận động, gây rối loạn vận động và tư thế. Biểu hiện bệnh từ nhẹ tới nặng, gồm cả những dạng tê liệt.
Có nhiều nguyên nhân gây bại não: nhiễm khuẩn trong thời kỳ mang thai như Rubella (sởi Đức), bệnh do virut cự bào, nhiễm toxoplasmosis, có thể gây tổn thương não của bào thai và gây bại não sau này. Thiếu ôxy não bào thai, xảy ra trong trường hợp nhau thai bị bóc tách khỏi thành tử cung trước khi sinh, có thể làm giảm lượng ôxy cung cấp cho bào thai. Trẻ sinh non nhẹ cân có nguy cơ mắc bệnh bại não nhiều hơn những trẻ sinh đủ tháng gấp 30 lần. Biến chứng trong quá trình chuyển dạ làm cho trẻ sơ sinh bị ngạt là nguyên nhân gây ra khoảng 10% các trường hợp bại não. Bất đồng nhóm máu Rh giữa người mẹ và bào thai có thể gây tổn thương não dẫn đến bại não. Những dị tật bẩm sinh, trẻ có những bất thường về cấu trúc não, mắc bệnh di truyền... đều làm tăng nguy cơ bại não.
Điều cần biết về chứng bại não 1
 Ảnh minh họa nguồn google.
Có một số trẻ bị bại não mắc phải sau khi sinh, do tổn thương não bộ xảy ra trong hai năm đầu. Nguyên nhân phổ biến nhất của các tổn thương này là: nhiễm khuẩn não và chấn thương vùng đầu.
Có ba thể bại não
Bại não thể liệt cứng (Spastic cerebral palsy): có đến 70 - 80% số người bị mắc bệnh bại não thể liệt cứng có triệu chứng các cơ co cứng, cử động khó khăn. Nếu cả hai chân đều bị liệt cứng, trẻ rất khó khăn khi đi vì các cơ bó sát trong hông và chân làm cho hai chân chụm vào nhau và giao nhau tại đầu gối, kiểu như cắt kéo. Trường hợp chỉ một bên cơ thể bị liệt, tức là liệt cứng nửa người, thường là cánh tay bị liệt nặng hơn chân. Trường hợp nặng nhất là liệt cứng tứ chi, trong đó cả 2 tay, 2 chân và thân người bị liệt và cả các cơ môi miệng, lưỡi cũng bị liệt. Trẻ bị liệt cứng tứ chi thường bị chậm phát triển trí não...
Bại não thể loạn động (Dyskinetic cerebral palsy): khoảng 10 - 20% số trẻ mắc bệnh bại não là thể loạn động, ảnh hưởng toàn bộ cơ thể. Đặc trưng thể bệnh này là sự thay đổi thất thường của trương lực cơ lúc tăng, lúc giảm, thỉnh thoảng có những cử động không kiểm soát được, có thể là những cử động chậm và đau hoặc nhanh và giật giật. Trẻ mắc bệnh thường không có tư thế ngồi hoặc dáng đi bình thường. Do các cơ mặt và lưỡi bị ảnh hưởng, nên trẻ gặp khó khăn khi bú, nuốt và nói.
Bại não thể thất điều (Ataxic cerebral palsy): có khoảng 5 - 10% số trẻ bại não là thể thất điều. Bệnh làm cho trẻ không có khả năng cân bằng tư thế và phối hợp động tác. Trẻ bệnh đi với một dáng điệu không vững. Trẻ rất khó thực hiện những cử động cần phải có sự phối hợp chính xác như viết chữ.
Bệnh bại não được chẩn đoán chủ yếu dựa vào sự đánh giá khả năng cử động của trẻ. Một số trẻ mắc bệnh bại não có trương lực cơ yếu nên nhìn chúng có vẻ như bị nhẹ cân. Trái lại một số trẻ khác có trương lực cơ tăng nên trông chúng có vẻ rắn chắc, hoặc trương lực cơ thay đổi, lúc tăng, lúc giảm. Xét nghiệm: chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính, siêu âm có thể phát hiện được nguyên nhân gây bại não.
Phương pháp điều trị
Việc điều trị và chăm sóc trẻ bại não đòi hỏi phải có một nhóm các chuyên gia gồm các bác sĩ nhi khoa, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, phẫu thuật chỉnh hình, mắt, các chuyên gia về ngôn ngữ, những người hoạt động xã hội và các nhà tâm lý học.
Vật lý trị liệu được thực hiện ngay sau khi chẩn đoán bại não, nhằm làm tăng kỹ năng vận động của trẻ như ngồi, đi, cải thiện cơ lực và phòng ngừa sự co kéo biến dạng cơ. Có thể sử dụng các dụng cụ như nẹp, máng hoặc bó bột để phòng ngừa co rút cơ và cải thiện chức năng của chân, tay. Phẫu thuật chỉnh hình để làm dài cơ bị bệnh trong trường hợp tình trạng co rút cơ quá nặng. Đối với trẻ có tình trạng co cứng hai chi dưới nặng, cần phẫu thuật cắt bỏ chọn lọc một số nhánh thần kinh ở lưng chi phối hoạt động chi có thể làm giảm vĩnh viễn tình trạng co cứng cũng như cải thiện khả năng vận động như ngồi, đứng, đi. Phẫu thuật này thường tiến hành khi trẻ được 2 - 6 tuổi.
Dùng thuốc làm giảm bớt mức độ co cứng của cơ và làm giảm các cử động bất thường.
Điều cần biết về chứng bại não 2
 Chẩn đoán hình ảnh tổn thương bại não.
Lời khuyên của bác sĩ
Dựa vào các nguyên nhân gây bại não nói trên, chúng ta có thể thực hiện các biện pháp để phòng tránh bệnh bại não cho trẻ như sau:
Phụ nữ khi mang thai cần phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virut, toxoplasmosis bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, không thức khuya, không làm việc quá sức vì dễ bị cảm cúm. Thường xuyên rửa tay sau khi tiếp xúc với đồ vật, trước khi ăn. Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, khi đến nơi công cộng như chợ, siêu thị, trường học... Nên khám thai định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa sản để chuẩn bị tốt cho cuộc đẻ, tránh các tai biến sản khoa như sinh non, trẻ sơ sinh bị ngạt... Trường hợp mẹ và thai nhi bất đồng nhóm máu Rh, mà mẹ là Rh âm và con là Rh dương thì người mẹ cần tiêm Rh immune globulin vào tuần thứ 28 trong thời kỳ mang thai và tiêm nhắc lại một lần nữa sau khi sinh cho đứa trẻ mang Rh dương. Chăm sóc cẩn thận, tránh các chấn thương cho trẻ nhỏ.
BS. Nguyễn Bùi Kiều Linh

Cảnh giác với viêm não Nhật Bản sau mưa lũ

Bệnh viêm não Nhật Bản B (VNNBB) thường xuất hiện vào mùa hè, mùa mưa nhiều, bệnh lây truyền là do muỗi, vì vậy, mùa mưa lũ bệnh VNNBB vẫn có nguy cơ xuất hiện, bùng phát. Được biết, ở TP.HCM hiện đang có một người lâm bệnh này trong tình trạng nguy kịch. Bệnh VNNBB có khả năng lây nhiễm mạnh, bệnh cảnh rất nặng và nguy cơ tử vong cao, vì vậy, hiểu biết về bệnh để biết cách phòng ngừa là cần thiết.
Cảnh giác với viêm não Nhật Bản sau mưa lũ 1
 Nguồn google
VNNBB dễ xuất hiện trong mùa mưa bão
Mùa mưa, thời tiết rất thuận lợi cho các loài muỗi phát triển và vì vậy, bệnh VNNBB rất có khả năng xuất hiện, bùng phát. Bệnh VNNBB do virut Arbo gây ra. Bệnh lây lan giữa người bệnh với người lành, hoàn toàn khác với bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu hoặc H. Influenzae hoặc St.pneumoniae. Môi giới truyền bệnh VNNBB là muỗi Culex. Bệnh VNNBB lây từ vật chủ này sang vật chủ khác và từ người bệnh sang người lành do muỗi Culex hút máu và truyền bệnh. Ở Việt Nam, loài muỗi Culex sinh sản mạnh nhất vào mùa hè, mùa mưa, đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 7 - 8. Muỗi Culex có đặc điểm hoạt động mạnh nhất (hút máu người) vào lúc chập tối.
Bệnh VNNBB thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ em dưới 10 tuổi, bởi vì ở độ tuổi này có sức thụ bệnh cao với bệnh VNNBB hơn người trưởng thành, đặc biệt là ở các trẻ chưa có miễn dịch đối với virut Arbo gây bệnh. Người trưởng thành vẫn có khả năng mắc bệnh VNNBB khi trong cơ thể không có miễn dịch chống virut gây bệnh VNNBB. Đặc điểm của virut VNNBB là rất có ái lực với tế bào thần kinh, chính vì vậy, khi virut vào máu, chúng nhanh chóng đến hệ thần kinh trung ương và nhân lên mạnh mẽ ở đó, gây nên các phản ứng như sốt cao và gây tổn thương hệ thần kinh. Tuy vậy, một người sau khi mắc bệnh VNNBB thì có miễn dịch vững bền.
Cảnh giác với viêm não Nhật Bản sau mưa lũ 2
 Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản.
Coi chừng để lại di chứng
Thời kỳ nung bệnh của VNNBB thường kéo dài từ 5 - 7 ngày, sau đó là thời kỳ khởi phát. Thời kỳ khởi phát xuất hiện các triệu chứng như viêm long đường hô hấp trên (sổ mũi, viêm họng, nghẹt mũi, ho...), sốt cao đột ngột (trên 39 - 40oC) kèm theo đau đầu, đặc biệt là ở vùng trán. Có thể có rối loạn tiêu hóa (đau bụng có kèm theo đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn), nhất là ở trẻ nhỏ. Tính chất nôn là nôn vọt và không lệ thuộc vào bữa ăn (nôn bất kỳ lúc nào). Trẻ bệnh có biểu hiện cứng gáy và tăng trương lực cơ và có thể xuất hiện lú lẫn, mất dần ý thức. Tiếp đến là thời kỳ toàn phát. Ở thời kỳ này thì các dấu hiệu đã có ở thời kỳ khởi phát nhưng tăng mạnh, đặc biệt là các dấu hiệu thần kinh như cuồng sảng, ảo giác hoặc kích động, tăng trương lực cơ làm cho trẻ bệnh nằm trong tư thế co quắp "kiểu cò súng". Co giật cũng có thể xuất hiện hoặc bị bại, liệt cứng. Đối với loại bệnh nặng thì có thể u ám lúc ban đầu rồi dần dần đi vào hôn mê. Ngoài ra có các dấu hiệu về thần kinh thực vật tăng lên rõ rệt như vã mồ hôi, rối loạn vận mạch dưới da (da lúc đỏ, lúc tái), rối loạn nhịp thở và tăng tiết dịch ở hệ hô hấp. Bước sang tuần thứ 2, các triệu chứng như sốt, triệu chứng thần kinh, tim mạch dần dần giảm (gọi là thời kỳ lui bệnh). Một số bệnh nhân sau giai đoạn này có thể để lại di chứng như bại, liệt chi hoặc liệt các dây thần kinh sọ não hay rối loạn sự phối hợp vận động.
Biến chứng trong bệnh VNNBB cũng rất nặng nề, đặc biệt là viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, có thể gặp một số có di chứng muộn sau 1 năm hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson. Bệnh VNNBB có tỷ lệ tử vong cao (khoảng từ 20 - 80%), thường gặp ở những bệnh nặng như có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt, viêm phổi nặng.
Cảnh giác với viêm não Nhật Bản sau mưa lũ 3
 Hình ảnh virut viêm não Nhật Bản qua kính hiển vi.
Phòng bệnh VNNBB thế nào?
Điều quan trọng nhất là cần tuyên truyền rộng khắp trong toàn dân về tác hại của bệnh VNNBB, nguy hiểm của muỗi và vai trò của bọ gậy (lăng quăng) là con đẻ của muỗi, đồng thời phổ biến các biện pháp diệt bọ gậy và muỗi trưởng thành bằng mọi hình thức. Các biện pháp thường áp dụng là khơi thông hệ thống cống rãnh, lấp ao tù, nước đọng sau các trận mưa. Đậy kín các chum vại đựng nước không cho muỗi vào đẻ trứng, thay nước trong lọ cắm hoa hàng ngày, bắt muỗi bằng bẫy, bằng vợt, bằng đèn và áp dụng các biện pháp dùng hóa chất diệt muỗi như phun, tẩm màn và dùng hương xua, diệt muỗi. Biện pháp phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp rất hữu hiệu nhưng cần tiến hành đồng bộ cho tất cả các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố, không được bỏ sót bất kỳ một gia đình nào để không còn nơi trú ẩn của muỗi. Khi ngủ, cần nằm màn tránh muỗi đốt; nếu màn rách, thủng, cần khâu, vá cẩn thận không cho muỗi chui vào đốt, hút máu. Cần phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh VNNBB để cách ly. Cho đến nay, người ta thấy biện pháp tiêm vacc4in VNNBB để gây miễn dịch chủ động là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng bệnh VNNBB.
BS. Việt Bắc

Coi chừng viêm não do ăn ốc sên

Vừa qua, ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh đã có bệnh nhân bị viêm màng não do ăn ốc sên. Thời gian trước đây cũng có những ca bệnh viêm não, màng não tương tự cũng do bệnh nhân ăn loại ốc này. Do đó việc hiểu biết để tránh nguy cơ bị mắc bệnh trở nên quan trọng đối với mọi người.
Vì sao ăn ốc sên bị viêm não?
Ốc sên có ở mọi vùng miền của nước ta, chúng là vật chủ mang mầm bệnh gây viêm não và màng não do bị nhiễm ấu trùng của giun tròn Angiostrongylus cantonensis. Giun tròn có ở nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ở nước ta các công trình nghiên cứu khoa học đã phát hiện giun tròn phân bố từ Bắc đến Nam, hiện diện ở cả người và động vật; xác định nguồn bệnh chủ yếu là các loại ốc, tôm, cua, cá... bị nhiễm mầm bệnh; bệnh được lây truyền theo đường tiêu hóa do ăn phải các loại thức ăn, nước uống bị nhiễm ấu trùng giun tròn còn sống; mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh.
Coi chừng viêm não do ăn ốc sên 1
 Sơ đồ gây bệnh viêm não của ốc sên.
Giun tròn trưởng thành có màu trắng đục, dài từ 17 - 25 mm, đường kính từ 0,26 - 0,36 mm. Đầu giun tròn, có miệng nhỏ, hơi lõm vào, có ba răng. Giun tròn trưởng thành ký sinh ở động mạch phổi của chuột. Trứng giun theo máu đi đến các phế nang và nở ra ấu trùng. Ấu trùng di chuyển lên cuống phổi, qua thực quản, đi xuống ruột, theo phân chuột thải ra ngoài. Ấu trùng giun ở đất thì xâm nhập vào ký sinh ở sên. Ấu trùng giun xuống nước thì đến ký sinh ở các loại ốc sống dưới nước và các loài thủy sản khác như tôm, cua, cá.
 
Trong cơ thể ốc, ấu trùng giun biến thành kén. Chuột ăn phải ốc, tôm, cua, cá, rau... có nhiễm ấu trùng giun tròn thì bị nhiễm bệnh. Vào cơ thể chuột, ấu trùng giun sẽ phát triển thành giun trưởng thành và ký sinh ở động mạch phổi của chuột. Người bị nhiễm ấu trùng giun tròn do ăn phải ốc sên, ốc khác, tôm, cua, cá... hoặc ăn rau sống, uống nước lã có ấu trùng. Ấu trùng giun tròn vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, chúng xuyên qua thành ruột, theo đường máu đến não hoặc đến các phủ tạng khác. Ấu trùng giun tròn gây ra bệnh viêm não, màng não rất nguy hiểm.
Chu kỳ phát triển của giun tròn ở chuột gồm các giai đoạn: phát triển ở hệ thần kinh trung ương, rồi ở phổi. Còn ở người, giun tròn chỉ ký sinh ở hệ thần kinh trung ương, không đi đến phổi được nên không thể hoàn thành chu kỳ phát triển. Nhưng trên thực tế, ở nước ta đã gặp trường hợp giun tròn ở phổi của người; ấu trùng giun lạc chỗ vào gây bệnh ở mắt.
Biểu hiện viêm não, màng não do nhiễm giun tròn
Sau khi ấu trùng giun tròn xâm nhập vào cơ thể người sẽ gây ra triệu chứng viêm não, viêm màng não biểu hiện: bệnh nhân bị nhức đầu dữ dội, nhưng chỉ sốt nhẹ hoặc không sốt; có khoảng 15% bệnh nhân bị kích thích màng não. Bệnh nhân có thể bị viêm các dây thần kinh gây liệt mặt, mắt nhìn đôi, rối loạn cảm giác; hội chứng não, tâm thần: nói lảm nhảm, mất thăng bằng, mất trí nhớ, hôn mê... Xét nghiệm thấy bạch cầu ái toan tăng cao trong dịch não tủy và trong máu. Protein trong dịch não tủy cũng tăng. Nếu bệnh nhân tử vong, mổ tử thi thấy ấu trùng giun tròn ở trong não.
Coi chừng viêm não do ăn ốc sên 2
 Giun tròn Angiostrongylus cantonensis.
Chẩn đoán xác định bệnh phải dựa vào : kết quả xét nghiệm dịch não tủy thấy bạch cầu ái toan tăng cao, có triệu chứng lâm sàng của hội chứng não và tâm thần, trước đó bệnh nhân có ăn các loại ốc sên, ốc, tôm, cua, cá... chưa nấu chín hoặc uống nước lã , ăn rau sống; sống sinh hoạt trong vùng có dịch bệnh.
Khi đã phát hiện bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng giun tròn với các triệu chứng bị viêm não, màng não cần phải điều trị tích cực. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Thuốc để diệt ấu trùng giun tròn có thể dùng là : thiabendazole là loại có hiệu lực cao đối với ấu trùng giun mới xâm nhập vào cơ thể. Đến giai đoạn sau, phải điều trị triệu chứng kết hợp với thuốc corticoide.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh viêm não do ấu trùng giun tròn mọi người cần thực hiện ăn chín uống sôi. Cụ thể không nên ăn ốc, tôm, cua, cá... còn sống hoặc chưa nấu chín kỹ. Hạn chế ăn rau sống, nhất là rau thủy sinh như rau muống, rau cần, rau ngổ ( ngò trâu), rau răm, sen, súng…Không uống nước lã, nước đá vì đá có thể làm từ nước chưa nấu chín bị nhiễm bẩn. Tích cực diệt chuột bằng mọi phương pháp để tránh nguy cơ chuột sống gần khu dân cư thải phân lẫn mầm bệnh ra môi trường sống. Không nên ăn ốc sên, nhất là ăn ốc sên chế biến chưa chín kỹ. Người lớn và trẻ em không nên tắm ở ao, hồ, sông, suối, đặc biệt không để nước xâm nhập vào miệng, mũi khi tắm rửa.
BS. Bùi Thị Thu Hương

Những việc cần làm khi bị chấn thương sọ não

Khi có nạn nhân bị chấn thương vùng đầu (hay gọi chấn thương sọ não), người bệnh thì lo lắng, người nhà thì sốt ruột, tất cả đều mong được chụp CT sọ não ngay sau chấn thương. Nhưng thực ra, còn rất nhiều điều quan trọng đáng làm hơn lúc này.
Chụp CT không phải là nhất
Chấn thương sọ não là một tai nạn thuộc hàng phổ biến trong sinh hoạt giao thông và lao động hàng ngày. Chúng ta cần phải lưu ý tới chấn thương sọ não vì hai lý do rất thực tế. Lý do 1, não bộ là cơ quan tối quan trọng, não bộ bị tổn thương thì có thể thiệt hại tính mạng. Đó là trung tâm điều khiển mọi hoạt động sống của con người. Lý do 2, não bộ dễ bị biến chứng. Nếu không chú ý, nạn nhân có nguy cơ bị biến chứng vĩnh viễn như liệt, nói ngọng, rồi loạn tâm thần, suy giảm chức năng cao cấp của thần kinh trung ương...
Chấn thương sọ não là cụm từ chỉ tất cả mọi chấn thương, vết thương nằm trên vùng sọ não. Chúng ta có thể gặp chấn thương sọ não khi đầu bị va đập vào thứ gì đó, gặp trong nhiều tình huống như ngã từ độ cao, va quệt giao thông, vật nặng rơi vào đầu, vật cứng đập vào đầu...
Những việc cần làm khi bị chấn thương sọ não 1
 Cơ chế chấn thương sọ não.
Cách phân loại chấn thương sọ não
Đơn giản và hữu ích nhất đó là phân loại theo dạng thức tổn thương. Có 3 loại cơ bản: chấn động não, đụng giập não và máu tụ nội sọ.
Chấn động não là tình trạng não bộ bị xê dịch, rung lắc quá mạnh do va đập dẫn đến những vi tổn thương. Thường ảnh hưởng đến tuần hoàn và dịch ngoại bào giữa các khoang tế bào thần kinh. Đây là thể bệnh nhẹ nhất.
Đụng giập não là tình trạng tế bào não bị giập một phần. Các vùng này có tổ chức não bị phù nề, nhiều tế bào thần kinh rơi vào tình trạng nửa sống nửa chết. Thể bệnh này nặng hơn.
Nếu các ngày sau đó, người bệnh có một trong các dấu hiệu sau đây thì cần đi viện ngay và tính tới khả năng nặng lên.
- Đau đầu tăng dần
- Ý thức xấu dần
- Nôn tăng dần
Máu tụ nội sọ
là thể bệnh nặng nhất. Bạn có thể nghe thấy bác sĩ nói chảy máu ngoài màng cứng, dưới màng cứng, trong não, trong não thất... thì tất cả đó đều ám chỉ tình trạng máu tụ nội sọ. Máu tụ nội sọ là thể bệnh nặng nhất, có thể gây tử vong ngay tức thì nếu ổ chảy máu quá nhiều và quá lớn.
Có một thực tế dễ nhận thấy, đó là cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, ngay khi bị chấn thương sọ não, đều khẩn thiết yêu cầu chụp CT sọ não mặc dù giá thành xét nghiệm này không hề rẻ. Chúng ta thường quan niệm, chụp để xem có bị sao và coi đó là tiêu chuẩn vàng cho người thân của mình.
Nhưng thực tế cho thấy, chụp CT sọ não để quyết định dạng thức tổn thương không phải là tiêu chí quan trọng nhất. Và đó không phải là việc làm duy nhất lúc này có lợi cho bệnh nhân.
Điều này nghe có vẻ phi lý, song đúng là như vậy. Vì có những dạng tổn thương của chấn thương sọ não không dễ gì phát hiện ra ngay được nếu tiến hành chụp CT sọ não sau chấn thương. Ví dụ như máu tụ nội sọ ổ nhỏ, chảy máu rỉ rả. Nếu tiến hành chụp ngay sau chấn thương, có thể chúng ta không thu được hình ảnh tổn thương nào và dễ có một thái độ chủ quan nhầm là không bị nặng. Nhưng bản chất thì ẩn chứa bên trong không được bộc lộ. Nếu không cẩn thận, người bệnh vận động mạnh thì có thể bị bất tỉnh bất ngờ.
Những việc cần làm khi bị chấn thương sọ não 2
 Chấn thương sọ não gây xuất huyết não.
Vậy đâu mới là điều quan trọng nhất trong chấn thương sọ não và nếu tiến hành chụp CT sọ não thì tiến hành vào lúc nào?
Điều quan trọng nhất với chấn thương sọ não là quan sát các triệu chứng chủ quan của bệnh nhân. Bao gồm: tình trạng chảy máu (ổ vết thương hoặc chấn thương), tình trạng thức tỉnh hay không tỉnh, có đau đầu không, có nôn hay không? Nếu như người bệnh không có các triệu chứng nặng ở trên thì có thể tạm thời chưa có bệnh nặng. Việc chụp CT không thực sự cần thiết. Và việc cần ưu tiên là cho theo dõi nạn nhân.
Nhưng việc chụp CT phải được tiến hành ngay nếu bệnh nhân có triệu chứng xấu dần, tăng dần hoặc có toàn bộ hình ảnh trên một cách đột ngột và đầy đủ
Những việc cần làm
Vì việc chụp CT sọ não không thực sự cần thiết phải tiến hành ngay nên chúng ta có thể trì hoãn. Thay vì việc phải đưa bệnh nhân bằng được lên tuyến trên hoặc các cơ sở lớn có máy chụp CT thì cần đưa bệnh nhân vào bệnh viện đa khoa gần nhất, có khoa chấn thương, khoa ngoại thần kinh hoặc có phòng hồi sức cấp cứu để được khám và chẩn đoán sơ bộ. Từ đây, bác sĩ sẽ đưa ra những phán đoán rất chính xác và hướng dẫn bạn tận tình các công việc cần làm tiếp theo với chi phí rẻ hơn rất nhiều lần chụp CT. Hiệu quả với điều trị lại cực hữu dụng.
Cũng lưu ý khi vận chuyển nạn nhân, cần cho nạn nhân nằm ngửa, đầu nghiêng về một bên và không gối cao. Nhớ nằm trên ván cứng để tránh các trường hợp tổn thương cột sống kèm theo thì sẽ không bị biến chứng sang tủy sống, nặng thêm.
Tất cả mọi vết thương chảy máu ngoài da cần phải được băng bó, cầm máu cẩn thận. Không tiến hành chuyển đi mà chưa kịp làm tốt khâu này. Bạn có thể bảo toàn tính mạng cho người bệnh tốt nhất chỉ bằng một vài phút băng bó.
Trong mọi trường hợp, không để người bệnh đi bộ, ngồi dậy hoặc chạy nhảy khắp nơi. Vì như vậy có thể làm bong các nút máu đông tạm thời và chuyển từ một ổ đụng giập não không có chảy máu sang một ổ chảy máu sọ não hoàn chỉnh. Lúc này, bạn sẽ không thể bảo toàn được mức độ bệnh cho người bệnh.
Không vận động mạnh, không xúc động mạnh, không có các kích thích thần kinh, theo dõi liên tục từ 7 - 10 ngày. Kịp thời phát hiện ngay tất cả các dấu hiệu bất thường để xử lý ngay lập tức là cách hữu dụng nhất bạn nên tiến hành làm thay vì chỉ chú ý vào việc huy động tiền của để chụp cho được một cái phim CT sọ não.
BS. Cao Hồng Đăng

Lao màng não dễ bị bỏ qua, vì sao?

Khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể đi theo đường máu đến tấn công não và màng não, gây bệnh lao màng não. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở người lớn, lao màng não thường gặp ở lứa tuổi 20-50, nam bị nhiều hơn nữ. Ở trẻ em, bệnh hay gặp ở lứa tuổi 1-5. Bệnh khởi đầu với những triệu chứng không đặc hiệu: nhức đầu, chóng mặt, ù tai; có người bị co giật khu trú, liệt, nói sảng, buồn bã..., khá giống với các bệnh thông thường như cảm cúm, rối loạn tiền đình, viêm xoang, rối loạn tâm lý. Nhìn chung, các triệu chứng bệnh ở giai đoạn này khó nhận biết nên rất dễ bị bỏ qua.
Theo thống kê, mặc dù chỉ chiếm tỉ lệ thấp (khoảng 5%) nhưng lao màng não là thể lao ngoài phổi có tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong còn cao và thường để lại di chứng nặng: Nếu nhập viện muộn (khi đã hôn mê sâu), tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lao màng não lên đến 70-80%. Những người còn sống có thể gặp những biến chứng nặng nề như sống đời sống thực vật, động kinh, mù mắt, liệt dây thần kinh 3 hoặc 4, liệt nửa người hoặc 2 chi dưới, thiểu năng trí tuệ, thay đổi tính tình, béo phì, vô kinh ở nữ giới, đái tháo nhạt,...
Lao màng não dễ bị bỏ qua, vì sao? 1
 Hình ảnh màng não bình thường và màng não bị viêm.
Trong quá trình tiến triển của bệnh, tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh sớm hay muộn mà các triệu chứng của lao màng não có thể rất nghèo nàn hoặc phong phú. Tuy nhiên, các dấu hiệu viêm màng não điển hình ngày càng đầy đủ và rõ như: sốt cao, kéo dài, tăng lên về chiều tối; nhức đầu khu trú hoặc lan tỏa, liên tục hoặc thành từng cơn, âm ỉ hoặc dữ dội và tăng lên khi có những kích thích tiếng động hoặc ánh sáng (nhức đầu kết hợp với tăng trương lực cơ làm bệnh nhân hay nằm ở tư thế co người, quay mặt vào trong tối); nôn (khi tăng áp lực nội sọ) tự nhiên, nôn vọt không liên quan tới bữa ăn; rối loạn tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy; đau bụng, đau các khớp, đau ở cột sống phối hợp với đau ở các chi; rối loạn cơ thắt gây bí đái, tiểu tiện hoặc đại tiểu tiện không tự chủ; liệt các dây thần kinh sọ, liệt các chi, các cơn động kinh cục bộ hoặc toàn thể, các biểu hiện rối loạn tâm thần. Các biểu hiện rối loạn ý thức có thể có với mức từ nhẹ đến nặng (hôn mê). Do các biểu hiện này cũng gặp ở các bệnh về não khác như u não, xuất huyết não, màng não, viêm màng não mủ, viêm màng não do nấm... nên bệnh nhân và ngay cả thầy thuốc cũng dễ chẩn đoán nhầm, tập trung điều trị các bệnh về não mà bỏ qua việc điều trị lao.
Đối với lao màng não, vi khuẩn lao có thể gây ra những hình thái tổn thương sau: gây viêm và làm tổn thương màng não, chủ yếu màng não ở khu vực nền sọ; gây viêm và làm hẹp động mạch cung cấp máu nuôi dưỡng não do đó có thể gây tổn thương một vùng của não; gây rối loạn lưu thông của não thất. Do đó, muốn điều trị bệnh có kết quả tốt thì cần chẩn đoán và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm. Vì ở giai đoạn này tổn thương ở màng não và não nhẹ có thể phục hồi chức năng tốt sau quá trình điều trị.
Lao màng não dễ bị bỏ qua, vì sao? 2
 Vi khuẩn lao theo đường máu gây viêm màng não.
Chẩn đoán xác định lao màng não là một việc không dễ dàng. Phương pháp xác định hiệu quả nhất (cấy vi khuẩn) cũng chỉ cho kết quả sau 2 tháng và có đến 50% trường hợp bị âm tính giả (có bệnh nhưng xét nghiệm không tìm ra vi khuẩn). Căn bệnh này lại chưa có vắc-xin phòng ngừa đặc hiệu. Chính vì thế, để phòng bệnh, khi thấy cơ thể có những triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, ù tai kéo dài, bệnh nhân nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Đặc biệt, những người đã mắc các thể lao khác (như lao phổi, lao hạch, lao tiết niệu, lao xương...); những người sức đề kháng suy giảm do suy dinh dưỡng, sau nhiễm virut, không tiêm BCG, nhiễm HIV, đái tháo đường,... cần tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không làm việc quá sức để vi khuẩn lao không có cơ hội tấn công lên não.
 
Cũng giống như các bệnh lao khác, lao màng não nếu được phát hiện sớm, dùng các thuốc điều trị lao đặc hiệu và các biện pháp hồi sức tích cực, việc chẩn đoán và điều trị bệnh ngày càng đạt được kết quả khả quan, tỷ lệ tử vong và di chứng do bệnh đã giảm đáng kể.
BS. Trần Hạnh Hoa

Nhận biết bệnh do ấu trùng sán dây

Ấu trùng sán lớn dưới da là một bệnh mạn tính gây tổn thương ở da, cơ, não... do các u nang sán lợn gây nên. Tùy theo vị trí khu trú của nang ở da ảnh hưởng tới thẩm mỹ, ở não có thể gây động kinh, giảm trí nhớ hoặc rối loạn vận động ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người bệnh.
Tại sao mắc bệnh sán dây?
Nhận biết bệnh do ấu trùng sán dây 1
 Chu trình nhiễm bệnh ấu trùng sán lợn dưới da.
Bệnh ấu trùng sán dây lợn có ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở các vùng có phong tục ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín hoặc quản lý phân chưa tốt. Con sán dây lợn trưởng thành dài từ 2 - 3m. Một đốt sán già có thể chứa tới 55 nghìn trứng, nhữngđốt già ở cuối thường rụng thành từng đoạn 5, 6 đốt liền nhau theo phân ra ngoài. Người là vật chủ chính của sán, còn lợn là vật chủ phụ. Ngoài lợn, chó mèo cũng có thể là vật chủ phụ của sán dây lợn. Nếu lợn ăn phải đốt sán hoặc trứng sán, trứng sán qua dạ dày đến ruột, ấu trùng chui qua thành ruột vào hệ thống tuần hoàn và đi khắp cơ thể lợn. Chỉ sau 24 - 72 giờ kể từ khi ăn phải ấu trùng sẽ cư trú ở các mô hoặc các cơ. Sau 2 tháng, ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài có kích thước 17-20 x 7-10mm), khi đó còn được gọi là gạo lợn (cysticereus cellulosae). Trong nang có dịch màu trắng, có mẩu đầu sán với 4 giác và 2 vòng móc.
Khi người ăn phải trứng sán dây lợn, dưới tác dụng của dịch tiêu hóa, trứng xuống tá tràng, ấu trùng thoát ra khỏi trứng và chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể, vào các cơ, các mô, phát triển thành nang ấu trùng sán. Người có nang ấu trùng sán còn gọi là bệnh “người gạo”.
 
Nhận biết u nang sán
Nhận biết bệnh do ấu trùng sán dây 2
 Ấu trùng sán lợn trong não.
Một người bị bệnh sẽ có các biểu hiện như sau: Ở da có các nang nhỏ, bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, màu da ở trên nang vẫn bình thường. U nang sán hay nổi ở mặt trong cánh tay nhưng có thể nổi ở bất kỳ vị trí nào và có tính chất đối xứng. Ở người bị bệnh lâu năm, các u nang sán sau nhiều năm sẽ bị vôi hóa. Biểu hiện ở não giống như một u nang trong não hoặc có thể gây nên nhiều triệu chứng đa dạng như: tăng áp lực sọ não, cơn động kinh, suy nhược thần kinh, rối loạn tâm thần, bệnh nhân có thể bị liệt hoặc bị đột tử. Ở mắt: nang ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thủy tinh thể, tiền phòng... làm giảm thị lực hoặc bị mù tùy theo vị trí của ấu trùng trong mắt. Nang ấu trùng ở cơ tim có thể làm cho tim đập nhanh, tiếng tim bị biến đổi, bệnh nhân dễ bị ngất. Để xác định chính xác cần chọc hút và sinh thiết nang ở da tìm ấu trùng sán lợn. Chụp phim Xquang, chụp não thất hoặc soi đáy mắt phát hiện thấy u nang sán hoặc ấu trùng sán lợn. Ngoài ra, xét nghiệm phân tìm trứng sán.
Bệnh ấu trùng sán lợn dưới da cần phải phân biệt với một số bệnh như: u nang bã, u mỡ, u sarcoidose.
Nhận biết bệnh do ấu trùng sán dây 3
 Các nang ở da bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ.
Tẩy sán có dễ không?
Lời khuyên
Để phòng tránh bệnh sán lợn, mọi người cần thực hiện ăn chín uống sôi, khôngăn thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín, không ăn tiết canh. Tuyệt đối bỏ thói quen ăn thịt tái để tránh nguy cơ bị nhiễm bệnh sán lợn và các bệnh khác rất nguy hiểm. Khi đã phát hiện nhiễm bệnh, cần tích cực điều trị để dự phòng bệnh u nang sán lợn dưới da và các biến chứng nặng như u não, đột tử.
Dùng một trong các thuốc sau: Có thể dùng quinacrin, người lớn uống từ 0,9 - 1,2g chia liều nhỏ. Ngày hôm trước khi uống thuốc này, nên dùng thuốc nhuận tràng để làm giảm chất nhầy bám quanh thân sán và sau khi uống thuốc 1 giờ phải dùng thuốc tẩy. Lưu ý là nếu dùng thuốc tẩy chậm hơn thì thuốc quinacrin sẽ ngấm vào máu gây độc. Hoặc dùng thuốc niclosamide 0,5g cho uống 4 - 6 viên, thuốc không độc, hiệu quả cao. Buổi sáng nhai từng viên một, nhai thật kỹ, nhai 10 phút uống với một ít nước. Thuốc có thể làm cho trứng và các đốt sán bị tiêu hủy và đào thải ra ngoài. Nếu bệnh u nang sán lợn ở não, có thể dùng praziquantel, methifolat nên phối hợp với corticoid và thuốc chống phù nề não theo chỉ định của bác sĩ.  Điều trị u nang ở da có thể phẫu thuật khi thật cần thiết để giải quyết yếu tố thẩm mỹ hoặc các u nang chèn ép các dây thần kinh.          
    ThS. Nguyễn Xuân Lãm
VOTE:

Bệnh nhược cơ, điều trị thế nào?

Nhược cơ (NC) là một bệnh ảnh hưởng đến khớp thần kinh - cơ. Trong bệnh NC tự miễn, các kháng thể làm giảm số lượng các thụ thể tiếp nhận acetylcholine và do đó làm suy giảm dẫn truyền thần kinh - cơ. Các đặc điểm chính của NC là yếu và mỏi cơ vân, thường theo một cách phân bố đặc trưng. Yếu cơ tăng lên khi gắng sức và cải thiện khi nghỉ ngơi.
Nguyên nhân
NC tự miễn mắc phải là bệnh nhược cơ thường gặp nhất, nhưng hiếm gặp NC bẩm sinh. Bệnh bắt đầu sớm ở trẻ em và đòi hỏi các khảo sát bằng điện sinh lý, miễn dịch tế bào và phân tử một cách tinh tế để cho ra chẩn đoán chính xác. Nên nghĩ đến hội chứng này khi có tiền sử gia đình hoặc có sự nghi ngờ nguyên nhân của miễn dịch ở bệnh nhân yếu cơ khởi  phát sớm.
Triệu chứng và dấu hiệu
Các dấu hiệu giới hạn vận động là triệu chứng rõ nét của bệnh nhược cơ. Khoảng 50 - 60% bệnh nhân có triệu chứng sụp mi và song thị do cơ vận nhãn bị ảnh hưởng. Yếu cơ vận nhãn ở dạng không tương ứng với tổn thương riêng dây thần kinh và phản xạ của đồng tử thường bình thường. Triệu chứng yếu cơ rất thay đổi và ảnh hưởng lúc mắt này lúc mắt kia là đặc trưng của yếu cơ do nhược cơ. Những biểu hiện yếu cơ tương đối khu trú lúc đầu này thường có xu hướng lan rộng sau vài tuần hoặc vài tháng ở khoảng 60% bệnh nhân (NC toàn thân). Trong khoảng 40% bệnh nhân, yếu cơ có thể bắt đầu ở bất cứ vùng nào trên cơ thể. Điển hình, các dấu hiệu và triệu chứng thường nổi bật hơn vào cuối ngày. Trong phần lớn trường hợp, bệnh thường nặng nhất trong 3 - 5 năm đầu sau khi khởi bệnh. Đầu tiên, triệu chứng có thể thoáng qua và có thể xuất hiện trở lại sau đó, thường ảnh hưởng thêm những nhóm cơ khác nữa. Cần nhấn mạnh rằng, rối loạn miễn dịch bên dưới ảnh hưởng toàn thân, chứ không phải chỉ ở những nơi yếu cơ mà thôi. Teo cơ do hậu quả của “sự mất phân bố thần kinh” về mặt chức năng tại các cơ đai vai, cánh tay, mặt, cổ và lưỡi, mặc dù không điển hình của NC, nhưng nó được thấy ở khoảng 10% trường hợp bệnh toàn thân nặng. Hiện nay, điều này rất hiếm thấy ở các bệnh nhân được điều trị sớm với ức chế miễn dịch đầy đủ.
Bệnh nhược cơ, điều trị thế nào? 1
 Sụp mi là một biểu hiện thường gặp ở bệnh nhược cơ.
Cơn nhược cơ
Cơn nhược cơ là một cấp cứu thần kinh cần phải được điều trị tích cực. “Cơn” được định nghĩa là tình trạng mất khả năng duy trì chức năng hô hấp, nuốt và khạc chất tiết để làm sạch đường hô hấp. Yếu tố thúc đẩy thường là nhiễm khuẩn, phẫu thuật, rối loạn cảm xúc, không đảm bảo điều trị lâu dài hoặc giảm liều thuốc quá nhanh. Các dấu hiệu cảnh báo khởi đầu cơn nhược cơ bao gồm: thở nông, nói lắp, nuốt khó, yếu cơ hô hấp và cơ cổ tiến triển với khó thở khi nằm, da tái hoặc tím và vã mồ hôi. Tăng CO2 và giảm O2 trong máu. Cơn nhược cơ do quá liều thuốc ức chế men acetylcholine ở bệnh nhân nhược cơ tiến triển. Nếu sự yếu cơ tiến triển và không cải thiện với thuốc ức chế men acetylcholine, bệnh nhân thường có xu hướng vào cơn nhược cơ ngay và cần phải được điều trị cơn nhược cơ ngay từ lúc này.
Chẩn đoán và điều trị
Việc phát hiện các tự kháng thể đối với nicotinic acetylcholine là dấu hiệu chẩn đoán đơn độc quan trọng nhất và đặc hiệu nhất trong bệnh nhược cơ.
Bệnh nhân nhược cơ phải có một quá trình điều trị thuốc lâu dài hoặc phải phẫu thuật. Do đó, cần phải có một chẩn đoán rõ ràng, loại trừ hết các tình trạng giống NC và tìm ra hết các tình trạng có thể ảnh hưởng đến việc chọn lựa điều trị. Các chẩn đoán có thể bị che lấp bởi các rối loạn thần kinh có ảnh hưởng đến chức năng vận động cùng tồn tại khác. Một điều quan trọng là cần phải tầm soát các bệnh tự miễn khác và các phản ứng tự miễn dưới lâm sàng bởi vì nó có thể làm rối loạn thêm sự rối loạn miễn dịch và nó cần phải được điều trị thêm. Các rối loạn có thể ảnh hưởng đến việc điều trị ức chế miễn dịch bao gồm nhiễm khuẩn ngoài ý muốn như lao; đái tháo đường; loét tá tràng; chảy máu dạ dày; bệnh thận; tăng huyết áp và bệnh ác tính.
Hiện nay điều trị đã cải thiện được tiên lượng bệnh nhược cơ rất nhiều. Trước khi phương pháp điều trị ức chế miễn dịch được áp dụng, tỷ lệ tử vong của nhược cơ toàn thể là 30% và hơn 60% bệnh nhân không cải thiện hoặc bệnh xấu dần. Đặc biệt, tử vong của các bệnh nhân vào cơn nhược cơ là 70%. Với sự điều trị thích hợp hiện nay, phần lớn bệnh nhân nhược cơ có thể có cuộc sống cơ bản bình thường. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân phải uống thuốc ức chế miễn dịch trong nhiều năm hoặc thậm chí không xác định được thời gian mặc dù có nguy cơ mắc phải tác dụng phụ. Sự xấu đi đột ngột kèm suy hô hấp (cơn nhược cơ) ngày nay khá hiếm (dưới 2%) ở các bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch dài hạn. Các bệnh nhân nhược cơ và u tuyến ức (thường trên 40 tuổi) thường dễ vào cơn nhược cơ hơn các bệnh nhân không có u tuyến ức. Ở các bệnh nhân có u tuyến ức, tiên lượng liên quan với quá trình bệnh và giai đoạn mô học của u. Mục đích chữa lành bệnh tự miễn vẫn chưa đạt được, mặc dù các phác đồ đầy hứa hẹn dựa trên các hiểu biết mới về miễn dịch của bệnh nhược cơ đang được phát triển.
Hai kiểu điều trị thường được kết hợp trong điều trị bệnh nhược cơ. Các triệu chứng có thể cải thiện một cách nhanh chóng bằng các thuốc kháng men cholinesterase để gia tăng lượng acetylcholine trong khe sy-nap bù trừ. Điều trị triệu chứng như thế có thể đủ trong các trường hợp nhược cơ nhẹ và ảnh hưởng mắt đơn thuần. Tuy nhiên, cách điều trị này không ảnh hưởng đến quá trình miễn dịch bên dưới. Ở các bệnh nhân nhược cơ tự miễn toàn thể, thường cần phải dùng ức chế miễn dịch như steroids, aza hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác. Sự loại bỏ tức thì các tự kháng thể bằng phương pháp lọc huyết tương hoặc hỗ trợ miễn dịch thường rất hiệu quả khi điều trị ngắn hạn trong cơn nhược cơ, trong các trường hợp diễn tiến xấu nhanh, hoặc trong các bệnh nhân trước khi cắt tuyến ức. Phương pháp điều trị tốt nhất cần được chọn lựa cho phù hợp trên từng bệnh nhân.
  TS. Hoàng Ngọc

Cách nhận biết viêm động mạch khu trú thái dương

Horton là bệnh viêm động mạch khu trú chủ yếu ở động mạch thái dương nông. Đây là loại bệnh có nguy cơ gây nguy hiểm đối với thị giác, song nếu ta triển khai điều trị một cách kịp thời và đúng phương pháp thì có thể loại trừ được nguy cơ nguy hiểm này.
Nguyên nhân gây bệnh Horton
Có nhiều thuyết khác nhau về bệnh Horton: Horton và Frangenheim cho rằng, bệnh do vi khuẩn đặc hiệu nên xếp vào nhóm bệnh u hạt nhiễm khuẩn (granulome infecteeusr); Zeek, Morrison Abithol cho là dị ứng quá mẫn nên xếp vào nhóm những bệnh mạch máu do dị ứng; Miehlke lại xếp vào nhóm bệnh tạo keo. Gần đây, Sauerruch, Dorstelman... thiên về giả thiết Horton là bệnh tự miễn; một số tác giả cho là di truyền, do virut viêm gan B và Treponema pallidum.
Cơ chế gây bệnh chưa được xác định rõ nhưng nhiều giả thuyết đã thừa nhận yếu tố di truyền theo gen và cơ chế tự miễn dịch thông qua một số xét nghiệm đặc hiệu; Do hiện tượng tự miễn dịch làm viêm lớp chun trong của nhiều động mạch, đặc biệt là động mạch thái dương nông và các nhánh của động mạch cảnh ngoài.
Một số biểu hiện bệnh
Bệnh khởi phát và tiến triển kín đáo. Các triệu chứng về mắt gặp nhiều theo thứ tự là: phù nề gai thị; tắc động mạch võng mạc trung tâm; nhìn đôi; thị trường thu hẹp; ám điểm trung tâm, đau hố mắt. Kèm theo các biểu hiện: nhức đầu, đau cơ khớp, đau vùng thắt lưng, cơ đai vai; sốt; hội chứng thiếu máu...
Cách nhận biết viêm động mạch khu trú thái dương 1
Hình ảnh viêm động mạch thái dương.
Đau đầu, nhất là ở vùng thái dương: đau đầu là triệu chứng nổi bật nhất, điển hình là đau ở vùng thái dương, thường là đau một bên, đôi khi cả hai bên. Cơn đau xuất hiện một cách tự nhiên hay do một kích thích dù chỉ là rất nhẹ vào da đầu như chải đầu, đeo kính, gội đầu... Ðau có tính chất dai dẳng, cảm giác tê buốt như kim châm dưới da đầu, từ vị trí khởi điểm ở thái dương đau có thể lan ra cả vùng trán, hốc mắt hoặc đỉnh chẩm cùng bên, đau tăng lên khi lạnh, đau nhiều về đêm làm bệnh nhân mất ngủ. Thỉnh thoảng có những cơn đau kịch phát dữ dội như khoan, dùi ở vùng thái dương làm người bệnh không chịu nổi phải lấy tay ôm đầu vật vã, kêu la, mỗi cơn đau kịch phát này kéo dài 2 - 3 giờ, trung bình 1 - 2 cơn/ngày. Quan sát thấy vùng thái dương của bệnh nhân hơi sưng nề, da đỏ, sờ vào nóng hơn các vùng khác, đồng thời có cảm giác thấy một đoạn mạch máu dày, cứng, ngoằn ngoèo, mạch đập yếu hoặc không đập, ấn rất đau. Đau tăng lên khi lạnh, đau nhiều về đêm làm bệnh nhân mất ngủ.
Tất cả những triệu chứng trên là biểu hiện của viêm động mạch thái dương nông, tuy nhiên ở đầu ngoài động mạch thái dương bị tổn thương thì một số động mạch khác như động mạch mắt, chẩm và động mạch mặt cũng bị viêm làm cho bệnh nhân đau.
Tổn thương động mạch mắt, chẩm và đặc biệt là động mạch mặt cũng bị viêm gây thiếu máu cục bộ ở những cơ nhai làm cho bệnh nhân đau nhiều khi nhai, giảm hoặc hết đau khi ngừng nhai. Người ta gọi đây là triệu chứng khập khễnh của hàm. Ngoài ra, một số bệnh nhân còn đau cả lưỡi, họng, nuốt, nói khó do tổn thương những động mạch chi phối vùng đó.
Triệu chứng ở mắt: những biểu hiện thường gặp là sợ ánh sáng, nhìn đôi, lác mắt (do liệt cơ vận nhãn), mù thoảng qua, màn sương mù trước mắt, ảo thị, rối loạn thị trường... và cuối cùng là mù hẳn. Những biến chứng này có thể xuất hiện đột ngột, tiến triển nhanh, không hồi phục làm mất thị lực chỉ trong vòng vài giờ đến vài ngày nếu không được điều trị kịp thời.
Mất ngủ, chán ăn, gầy sút và sốt, đôi khi hâm hấp sốt, có khi sốt rất cao. Suy nhược, chán ăn, gầy sút.
Giả viêm đa khớp gốc chi: có dấu hiệu thâm nhiễm viêm ở những cơ đai, nhất là đai vai: đau cân đối hai bên, có khi bệnh nhân phải nằm liệt giường nhưng không hạn chế vận động các khớp và không có tổn thương xương khớp trên hình ảnh Xquang; rất nhạy cảm với những thuốc chống viêm corticoid và không corticoid.
Một số bệnh nhân chỉ có duy nhất một triệu chứng sốt đơn độc kéo dài mà không tìm thấy nguyên nhân gì. Một số trường hợp khác lại có biểu hiện giả viêm đa khớp gốc chi, người bệnh đau nhiều khớp, đặc biệt là đau khớp vai hai bên, song không bị hạn chế vận động khớp, những dấu hiệu viêm khớp này thường xuất hiện trước hoặc đi kèm theo triệu chứng đau đầu.
Các triệu chứng khác ít gặp và dễ nhầm với các bệnh khác như: nhồi máu não, viêm dây thần kinh, phồng động mạch chủ, thiểu năng động mạch chủ hay động mạch vành; bệnh phế quản, phổi; viêm động mạch ngoài sọ và trong sọ, viêm động mạch ở các chi. Bệnh Horton dễ bị bỏ sót ở các thể bệnh như: toàn thân suy sụp dần; sốt đơn thuần kéo dài; đi khập khiễng cách hồi; cơn đau thắt hay tai biến thiếu máu cục bộ ở những cơ quan do ngành lớn hay thân động mạch chủ chi phối.
Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác bệnh Horton ở NCT thì cần phải làm thêm một số xét nghiệm như máu lắng tăng, rối loạn đông máu, rối loạn miễn dịch và đặc biệt là sinh thiết động mạch thái dương có chọn lọc dựa trên siêu âm Doppler hoặc chụp động mạch cảnh ngoài để kết quả chính xác hơn.
Điều trị bệnh càng sớm càng tránh được nhiều biến chứng
 Điều trị bệnh Horton, thuốc corticoid (như prednison, solu-medrol) là biện pháp điều trị duy nhất có hiệu quả, điều trị bằng corticoid càng sớm thì càng tránh được những biến chứng về mắt cho NCT, có thể nói khi người thầy thuốc đã nghi ngờ là bệnh Horton thì không cần chờ kết quả sinh thiết động mạch thái dương nữa mà nên điều trị corticoid ngay cho bệnh nhân.
Liệu pháp corticoid là biện pháp điều trị duy nhất có hiệu quả. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh Horton có thể tránh được nếu bắt đầu điều trị nhanh, coi như cấp cứu khi đã xuất hiện những tổn thương về mắt. Chỉ khi nào thị lực mới mất một phần thì liệu pháp corticoid còn có khả năng hồi phục thị lực, nhưng đã mất hoàn toàn thị lực thì không hồi phục.
Hiệu quả điều trị có tác dụng ngay, giảm sốt, giảm đau trong ngày; viêm nhiễm giảm dần và tốc độ lắng hồng cầu trở lại bình thường trong 1 - 2 tháng. Phải dùng corticoid hằng ngày, một lần vào buổi sáng, còn nếu dùng cách nhật kém hiệu quả.
Trong một số trường hợp, người ta có thể dùng một vài thuốc khác như dapson hoặc thuốc chống viêm non-steroid kết hợp với corticoid trong giai đoạn điều trị củng cố. Ngoài ra, nếu có viêm các động mạch lớn thì phải dùng cả thuốc chống đông để dự phòng huyết khối. Tuy nhiên, không được tự ý dùng thuốc corticoid mà phải dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.    
   BS. Nguyễn Anh Tuấn

Ðau thần kinh hông có phòng được không?

Đau thần kinh hông (thần kinh tọa) thường gặp khá nhiều trong cộng đồng, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới (nữ giới chỉ gặp 1/3). Bệnh gây ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh hoạt, lao động, thậm chí gây tàn phế. Tuy vậy, bệnh đau thần kinh hông cũng có thể phòng ngừa nếu được quan tâm đúng mức.
Một số nguyên nhân thường gặp gây đau thần kinh hông
Tuổi từ 30 – 60 dễ gặp đau dây thần kinh hông. Đau dây thần kinh hông chủ yếu là đau rễ thần kinh thắt lưng 5 và rễ thần kinh cùng 1. Đau thần kinh hông liên quan mật thiết với tủy sống. Về mặt cấu tạo thì tủy sống nằm trong ống sống. Dọc theo cột sống thì mỗi đoạn tủy sống có một đôi rễ thần kinh tương ứng đi ra khỏi ống sống (mỗi bên một rễ thần kinh). Đôi rễ thần kinh này có chức năng chi phối vận động và chi phối cảm giác từng bộ phận của cơ thể. Đôi rễ thần kinh của thắt lưng số 5 và cùng 1 được gọi là thần kinh hông (thần kinh tọa).
Ðau thần kinh hông có phòng được không? 1
Đường đi của thần kinh hông to (thần kinh tọa).

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau thần kinh hông, bao gồm nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nhưng nguyên nhân xuất phát từ cột sống thắt lưng chiếm tỷ lệ cao hơn cả, trong đó thoát vị đĩa đệm đóng vai trò chủ yếu. Nghiên cứu cho thấy thoát vị đĩa đệm gây nên đau thần kinh hông chiếm tỷ lệ rất cao (từ 60 – 90%). Đĩa đệm là phần cấu trúc không xương nằm giữa 2 đốt sống, được cấu tạo bởi các sợi rất chắc bao bọc xung quanh và ở giữa là nhân nhày. Đĩa đệm có tác dụng làm “giảm xóc” khi có lực nén tác động vào cột sống (từ trên xuống hoặc từ dưới lên). Khi lực tác động mạnh, đột ngột lên đĩa đệm thì làm cho các vòng sợi có thể bị rách và nhân nhày bị đẩy ra ngoài, chui vào ống sống hoặc chui vào vị trí thoát ra của rễ thần kinh thắt lưng số 5 và cùng 1 làm chèn ép rễ thần kinh và gây đau. Ở người đang độ tuổi lao động, khi làm việc nặng, quá sức, sai tư thế rất có thể bị tổn thương đĩa đệm.
Tổn thương đĩa đệm thường xảy ra cấp tính. Ở người tuổi xế chiều, đau thần kinh hông thường do thoái hóa đĩa đệm cho nên  thường xảy ra mạn tính và hay tái phát. Đau thần kinh hông cũng có thể do có sự biến đổi bất thường ở đốt sống thắt lưng như trượt đốt sống số 5 do cơ học (bưng bê không cân xứng, mang vác nặng) hoặc do đốt sống thắt lưng đã hoặc đang thoái hóa. Đau thần kinh hông cũng có thể do u xương sống, nhiễm khuẩn (lao cột sống, viêm do tụ cầu...), viêm khớp cùng chậu, ung thư ở cơ quan khác di căn đến. Đau thần kinh hông cũng có thể do viêm đốt sống thắt lưng, viêm cột sống dính khớp làm thu hẹp ống sống thắt lưng gây chèn ép rễ thần kinh và có thể gây nên hội chứng “đuôi ngựa”. Viêm cột sống dính khớp thường gặp ở tuổi trung niên (dưới 40 tuổi), biểu hiện là đau âm ỉ thắt lưng, mông, đau nhiều về đêm và buổi sáng, thường có biểu hiện cứng khớp cột sống thắt lưng làm hạn chế vận động.
Ngoài ra, người ta cũng thấy đau thần kinh hông có thể có liên quan đến chấn thương trực tiếp vào dây thần kinh hông như bị gãy xương chậu hoặc bị tiêm trực tiếp vào thần kinh hông (tiêm mông sai kỹ thuật) hoặc do một loại thuốc dầu được tiêm mông rồi thuốc khuếch tán đến thần kinh hông hay do loãng xương gây thoái hóa khớp.
Biểu hiện của đau thần kinh hông
Đau thần kinh hông dọc theo đường đi của dây thần kinh, vì vậy, triệu chứng đau rất điển hình. Trước tiên là đau thắt lưng, sau đó đau lan xuống mông, đến mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, rồi lan xuống mặt trước mắt cá ngoài, mu bàn chân và vắt ngang qua ngón cái. Nếu tổn thương ở đốt sống thắt lưng số 5 thì đau ở vùng thắt lưng. Cơn đau thường tự nhiên, bột phát, liên tục nhưng có trường hợp đau cấp tính như dao đâm. Điển hình nhất của cơn đau là xuất hiện khi gắng sức cúi xuống để nâng một vật nặng bỗng thấy đau nhói ở thắt lưng, bắt buộc phải ngừng công việc. Sau một vài giờ, tuy không làm việc nặng nữa nhưng lưng vẫn bị đau và có trường hợp vài ba ngày sau đó lưng vẫn còn tiếp tục đau. Đau tăng lên và lan dọc theo dây thần kinh hông, nhất là khi ho, hắt xì hơi hoặc lúc rặn để đại, tiểu tiện. Cơn đau có thể giảm khi nằm nghỉ, nhất là được nằm trên mặt giường cứng.
Ngoài ra, cũng có thể thấy có cảm giác đau như kiến bò, tê cóng hoặc như kim châm ở bờ ngoài bàn chân, bắt chéo qua mu bàn chân và ngón cái hoặc ngón út bàn chân. Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của ngành khoa học y học mà việc chẩn đoán đau dây thần kinh hông có nhiều thuận lợi hơn như chụp bao rễ thần kinh, chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Đau thần kinh hông nếu không được chữa trị nghiêm túc sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sức lao động, lâu dần sẽ bị teo cơ và có thể gây tàn phế. 
Cách phòng bệnh
Ngoài 30 tuổi, (nam và nữ) nên theo dõi mật độ xương định kỳ  nhằm phát hiện sớm hiện tượng loãng xương gây thoái hóa khớp, đặc biệt là người lao động chân tay hoặc người phải ngồi lâu, nhiều giờ trong 1 ngày và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Hàng ngày, nên tập thể dục đều đặn để khí huyết lưu thông, thuận lợi cho việc nuôi dưỡng các cơ quan và các khớp xương. Cần có các động tác tập các khớp xương thích hợp, nhẹ nhàng, uyển chuyển, ví dụ như các động tác tập thể dục buổi sáng. Những người phải thường xuyên mang vác nặng cần thao tác đúng tư thế, tránh để xảy ra hiện tượng chấn thương lồi đĩa đệm hoặc trật, trượt khớp đốt sống. Khi bị thoái hóa cột sống thắt lưng, viêm khớp cùng chậu, cần điều trị tích cực đúng theo chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa khớp. Người bị đau thần kinh hông cần điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ để tránh bệnh trở thành mạn tính, thậm chí gây biến chứng teo cơ, tàn phế. Ngoài ra, cần ăn uống đủ chất và bổ sung lượng canxi cần thiết khi có ý kiến của bác sĩ khám bệnh cho mình.
PGS.Ts.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

Liệt toàn thân sau sốt: Coi chừng bệnh trọng

LTS: Vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện E Trung ương đã điều trị thành công một bệnh nhân nữ sau khi mổ thay van tim mắc hội chứng Guillain - Barré khiến bệnh nhân liệt toàn thân và liệt các cơ hô hấp, buộc phải thở máy liên tục trong 2 năm rưỡi kết hợp cùng các biện pháp chăm sóc và điều trị tích cực. Vậy hội chứng Guillain - Barré là gì và nguy hiểm thế nào? Bài viết dưới đây của TS.BS. Vũ Đức Định sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin cần thiết về bệnh lý này.
Hội chứng Guillain - Barré hay còn được gọi là liệt Landry, hội chứng Guillain - Barré - Strohl, là một tổn thương cấp tính của các rễ, các dây thần kinh ngoại biên (viêm đa rễ - đa dây thần kinh) do nhiều nguyên nhân gây ra. 
Bình thường, xung động thần kinh được dẫn truyền từ não xuống tủy sống (phần thần kinh trung ương), qua các dây thần kinh sọ và các rễ thần kinh xuất phát từ tủy sống (phần thần kinh ngoại biên) để tới kích thích các cơ hoạt động và nhận cảm giác phản hồi. Khi các rễ và các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương, các xung động truyền từ trên xuống bị đình trệ dẫn tới hiện tượng yếu cơ, liệt cơ, đồng thời việc truyền cảm giác từ bề mặt da, theo các dây và rễ thần kinh ngược về não bộ cũng bị gián đoạn nên gây rối loạn cảm giác.
Liệt toàn thân sau sốt: Coi chừng bệnh trọng 1Hội chứng Guillain - Barré là tổn thương cấp tính các rễ, các dây thần kinh ngoại biên.

Nguyên nhân nào gây nên?
Cho đến nay, người ta cho rằng hội chứng Guillain - Barré (GB) có tổn thương là do cơ chế tự miễn dịch. Sau sự xuất hiện của tác nhân gây bệnh (hay các kháng nguyên) trong máu, cơ thể sẽ sinh ra các kháng thể để tiêu diệt kháng nguyên. Trong hội chứng GB, kháng thể của cơ thể có sự “nhầm lẫn” giữa sợi trục cũng như lớp vỏ myelin của các sợi rễ và dây thần kinh nên đã “đánh nhầm” và làm tổn thương các phần cấu trúc này (với ước tính khoảng 20% các trường hợp có tổn thương sợi trục và 80% có tổn thương lớp vỏ myelin). Kết quả là các rễ và dây thần kinh bị “hỏng” nên gây triệu chứng về vận động và cảm giác.
Các tác nhân gây bệnh hay các kháng nguyên trong hội chứng GB bao gồm các nhóm vi khuẩn như Campylobacter jejuni; virut như Cytomegalovirus (CMV), influenza virus... Một số trường hợp, hội chứng GB cũng được cho là có liên quan đến sau dùng một số loại thuốc, hóa chất và có tới 60% các ca là không rõ nguyên nhân khởi phát.
Hội chứng Guillain - Barré chỉ gặp với tần suất 1 - 4 trường hợp/100.000 dân/năm; nam gặp nhiều hơn nữ nhưng lại là một trong những bệnh lý gây liệt hàng đầu có nguyên nhân không do chấn thương. Bệnh được Jean Landry, một bác sĩ người Pháp mô tả lần đầu tiên vào năm 1859 và tới năm 1916, BS. Georges Guillain, Jean Alexandrer Barré và André Strohl, lần đầu tiên đã mô tả đầy đủ căn bệnh mà sau này mang tên các ông.
Biểu hiện của hội chứng Guillain - Barré
Đặc điểm cơ bản của hội chứng GB là liệt ngoại biên có tính chất lan lên (từ các đầu chi đến các cơ toàn thân) và rối loạn cảm giác. Thông thường, sau một trận sốt virut hoặc sau một nhiễm khuẩn (như viêm đường hô hấp trên), bệnh nhân thấy cảm giác tê đầu chi như kiến bò, sau đó khó cử động tay, chân. Một số bệnh nhân có các dấu hiệu liệt dây thần kinh sọ xuất hiện đầu tiên như liệt hầu họng làm bệnh nhân nói khó, nuốt sặc, liệt mặt ngoại biên, liệt cơ vận nhãn khiến bệnh nhân có biểu hiện nhìn đôi, lác trong, lác ngoài. Các rối loạn vận động xuất hiện từ đầu các chi, sau đó gây liệt chi và lan nhanh lên phía trên gây liệt toàn thân, trong đó có liệt các cơ hô hấp (cơ liên sườn, cơ hoành, cơ ức đòn chũm, cơ thang). Liệt các cơ hô hấp khiến cho bệnh nhân bị suy hô hấp và đây cũng là biểu hiện nguy hiểm nhất và là mục tiêu điều trị đầu tiên. Theo thống kê, khoảng 30% các trường hợp GB có liệt cơ hô hấp nặng đòi hỏi phải thở máy. Liệt trong hội chứng GB là liệt mềm, mất hoàn toàn phản xạ gân xương và chỉ một số ít các ca có xuất hiện các phản xạ bệnh lý. Mất cảm giác là triệu chứng thường gặp với biểu hiện mất hoàn toàn cảm giác đau (cấu véo bệnh nhân không có cảm giác) trong khi các cảm giác về nóng lạnh ít rối loạn hơn. Đau cơ cũng hay có trong GB và một số ca có mô tả là có đau như rút giữa cột sống. Ở một số ca GB nặng, có thể có các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật kèm theo như rối loạn thân nhiệt, tụt huyết áp tư thế và nhịp tim chậm. Xét nghiệm dịch não tủy có thể thấy protein tăng nhưng các tế bào viêm không tăng (hiện tượng phân ly đạm - tế bào).
Điều trị được không?
Điều trị hội chứng GB gồm các giai đoạn: giai đoạn điều trị đặc hiệu để phục hồi liệt vận động càng sớm càng tốt, chăm sóc chống bội nhiễm, đảm bảo dinh dưỡng và tiến hành phục hồi chức năng sớm. Trước kia, khi chưa có biện pháp loại bỏ nhanh các phức hợp kháng nguyên - kháng thể, các kháng nguyên trong máu (bằng thay huyết tương) và trung hòa kháng nguyên gây bệnh bằng truyền immunoglobulins, việc điều trị bệnh nhân GB thực sự là một cơn ác mộng do bệnh nhân bị liệt toàn thân, phải thở máy kéo dài, có bệnh nhân phải thở máy tới hơn hai năm trời, cơ hô hấp mới hồi phục và bệnh nhân mới tự thở được. Việc một bệnh nhân nằm lâu tại giường và phải thở máy kéo dài như vậy sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy như teo cơ, cứng khớp, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, nhiễm khuẩn, loét mục...  nếu không được chăm sóc tốt. Hiện nay, trước một bệnh nhân GB, vấn đề đầu tiên là xem xét can thiệp cho thở máy sớm nếu có liệt các cơ hô hấp, sau đó tiến hành thay huyết tương tại giường. Máu toàn phần của bệnh nhân sẽ được rút ra ngoài theo đường tĩnh mạch, đi qua bộ phận lọc của máy. Tại đây, các thành phần hữu hình của máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) sẽ được giữ lại và bơm trở lại cơ thể. Phần huyết tương của bệnh nhân (có các yếu tố gây bệnh) sẽ được loại bỏ và được thay bằng một lượng huyết tương với thể tích tương đương của người cho. Có thể nói, biện pháp này hiện nay đang cho kết quả rất tốt, bệnh nhân cử động ngay được trong quá trình thay huyết tương. Nếu không thay huyết tương, truyền tĩnh mạch immunoglobulins cũng là một lựa chọn tốt với hiệu quả tương đương. Tuy vậy, cả hai biện pháp này chỉ có hiệu quả tốt nhất trong tuần đầu, tối đa là khoảng 2 tuần đầu sau khởi phát bệnh. Corticoid chưa chứng minh được hiệu quả trong việc điều trị bệnh. Các biện pháp phối hợp bao gồm chăm sóc, dinh dưỡng, chống nhiễm khuẩn và luyện tập phục hồi chức năng sớm.
TS.BS. Vũ Đức Định

Xua đi nỗi sợ “bóng đè”

Trong giấc ngủ dù ban ngày hay ban đêm, bạn đang trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê hoặc tâm trí bạn hoàn toàn tỉnh táo, nhưng lại không thể cử động được. Lúc đó, bạn có cảm giác rất sợ hãi, nhưng cũng không thể mở miệng kêu cứu được. Hiện tượng này được dân gian gọi nôm na là bị bóng đè. Bóng đè có thể khiến bạn hoảng hốt, nhất là khi bạn nghe hoặc thấy những âm thanh không có thật (ảo giác) hay một bóng người trong phòng ngủ của bạn. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn những hiểu biết để xua đi nỗi sợ bị bóng đè.
Ai dễ bị bóng đè?
Nhiều nghiên cứu cho thấy bóng đè thường xảy ra khi hormon trong cơ thể được tiết ra để ngăn cản giấc mơ tiếp tục khi bạn thức dậy. Lúc đó, tuy ý thức của bạn đã hoàn toàn tỉnh táo, nhưng bạn có cảm giác tê liệt và bị bóng đè. Muốn hiểu về nguyên nhân gây bóng đè, chúng ta cần biết: điều gì đã xảy ra trong khi ta đang ngủ. Nghiên cứu cho biết: giấc ngủ diễn ra theo chu kì, mỗi chu kì được chia làm 2 pha: pha ngủ nhanh (hay pha cử động mắt nhanh) và pha ngủ chậm. Não bộ hoạt động rất mạnh trong pha ngủ nhanh và hầu hết các giấc mơ thường xuất hiện trong pha ngủ nhanh. Trong suốt pha ngủ nhanh, toàn bộ cơ thể được hormon chi phối để bất động, ngoại trừ mắt và cơ hoành. Sự bất động này được cho là để bảo vệ cơ thể khỏi phải hành động theo những hoạt động bạn đang mơ. Hiện tượng bóng đè xảy ra khi sự bất động cơ thể trong pha ngủ nhanh vẫn tiếp tục duy trì, trong khi não bộ đã “thức giấc” rồi.
Những người dễ bị bòng đè là:  lứa tuổi thanh thiếu niên và người trẻ; người bị thiếu ngủ; người ngủ không theo một thời gian biểu hợp lý, ngủ không theo một giờ giấc nhất định, những người làm việc theo ca thường dễ bị bóng đè; người bị mắc chứng ngủ rũ do loại rối loạn giấc ngủ khiến cho người bệnh thường ngủ gật vào những thời điểm không phù hợp ban ngày; tiền sử gia đình: nếu trong gia đình có bố, mẹ hay anh chị hay bị bóng đè thì bạn cũng dễ bị bóng đè.
Xua đi nỗi sợ  “bóng đè” 1
 Bóng đè thường xuất hiện khi bạn sắp thức giấc hoặc xuất hiện ngay khi bạn vừa mới ngủ.
Biểu hiện của bóng đè
Hiện tượng bóng đè có thể xuất hiện chỉ 1 lần hoặc thường xuyên, thậm chí nhiều lần trong 1 đêm. Bóng đè thường xuất hiện khi bạn sắp thức giấc hoặc  xuất hiện ngay khi bạn vừa mới ngủ. Triệu chứng chính của hiện tượng bóng đè là nhất thời không thể cử động hay nói năng được. Đây là điều rất đáng sợ, đặc biệt là khi nhận thức của bạn hoàn toàn tỉnh táo. Thậm chí, “rùng rợn” hơn, khi bạn còn có cảm giác rất “thật” rằng có ai đó đang trong phòng riêng của mình trong suốt khoảng thời gian đó. Những kiểu ảo giác này rất hay xảy ra và làm bạn rất khiếp sợ. Hiện tượng “tê liệt” này kéo dài trong khoảng thời gian khó xác định, có thể vài giây hay vài phút và sau đó mọi hoạt động của bạn sẽ trở về bình thường, nhưng trong một tâm trạng hoang mang lo sợ. Sau khi trải qua một lần bị bóng đè, bạn có thể cảm giác rất buồn và lo lắng. Nhưng bạn hãy yên tâm là: hiện tượng bóng đè không gây nguy cơ nào cho sức khỏe của bạn. Trên thực tế, có người thường gặp hiện tượng bóng đè liên tục, trái lại, nhiều người chỉ trải qua hiện tượng bóng đè này 1 - 2 lần trong suốt cuộc đời.
Phương pháp điều trị và phòng tránh bóng đè
Khi bạn chỉ bị bóng đè 1 lần, tuy bạn có tâm trạng sợ hãi nhưng thực ra không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Theo thời gian, bạn sẽ quên dần và cũng không thấy bị bóng đè nữa, như thế thì không cần điều trị. Nhưng nếu bóng đè vẫn tiếp tục tái xuất hiện và gây ra nhiều phiền phức cho bạn, bạn nên đi khám bác sĩ. Khi đó, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc an thần trong thời gian ngắn, chẳng hạn thuốc chống trầm cảm ba vòng thường là clomipramin. Thuốc chống trầm cảm tác động lên thần kinh cũng được dùng điều trị bệnh bóng đè có hiệu quả. Thuốc có tác dụng  làm giảm bớt số lần và độ sâu của pha ngủ nhanh nên có thể ngăn chặn sự bất động khi bạn thức dậy hoặc khi bạn vừa chìm vào giấc ngủ, giúp giảm những ảo giác cho bạn. Bạn có thể phải điều trị trong thời gian 1 - 2 tháng để xem thuốc có thể giúp cải thiện tình hình hay không.
Bóng đè cũng là một triệu chứng của những bệnh gây rối loạn giấc ngủ như là một rối loạn gây ra chứng ngủ rũ: bệnh nhân bị những cơn buồn ngủ không thể cưỡng lại vào ban ngày và không thể giữ cho bản thân tỉnh táo quá vài giờ. Tuy trên thực tế không có phương pháp điều trị cụ thể cho chứng ngủ rũ nhưng tình trạng này có thể được cải thiện sau khi dùng thuốc.
 Để cải thiện tình hình, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng tránh bóng đè như sau: hàng ngày phải đảm bảo bạn ngủ đủ giấc từ 7 - 8 giờ đối với người trưởng thành. Để giữ cho thời gian biểu sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, bạn nên đi ngủ vào một giờ nhất định vào buổi tối và thức dậy đúng giờ vào buổi sáng, đồng thời cải thiện môi trường ngủ của bạn: nên tạo ra một không gian ngủ yên tĩnh và thoải mái nhất. Nếu có điều kiện dùng máy điều hòa nhiệt độ thì chỉnh nhiệt độ phòng khi ngủ khoảng 26-28oC. Giường ngủ cần sạch sẽ, êm ái, thoải mái. Bạn cần tập thể dục thường xuyên hàng ngày để giúp ăn ngon, ngủ yên nhưng lưu ý là không tập trước khi đi ngủ. Giảm uống trà, cà phê và những chất có chứa caffein trước khi ngủ tối từ 3-5 giờ. Không nên ăn quá no hay uống rượu bia trước khi ngủ. Bỏ thuốc lá, thuốc lào vì chất nicotin trong thuốc có thể kích thích làm bạn khó ngủ và hay mộng mị. Nên ngủ trưa từ 15 - 30 phút mỗi ngày giúp ổn định thần kinh và tốt cho sức khỏe.                 
  BS. Ninh Hồng

Xơ vữa động mạch là gì?

Xơ vữa động mạch là tổn thương trong đó một khối vật chất bất thường tạo thành bên trong động mạch, nó bám lên thành động mạch làm cho lòng động mạch bị hẹp lại, hậu quả là sự vận chuyển máu trong cơ thể bị cản trở, thiếu máu nuôi các bộ phận cơ thể do động mạch chi phối.
Tại sao lại bị xơ vữa động mạch?
Xơ vữa động mạch là sự thu hẹp của động mạch do các mảng bám được tạo thành trong lòng mạch máu. Xơ vữa động mạch có thể xảy ra, ảnh hưởng đến bất kỳ động mạch nào trong cơ thể, bao gồm cả động mạch ở tim, não, cánh tay, chân, xương chậu và thận.
Đến nay, khoa học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây xơ vữa động mạch. Các nghiên cứu cho thấy rằng, xơ vữa động mạch là một bệnh tiến triển chậm và phức tạp có thể bắt đầu trong thời thơ ấu, phát triển nhanh hơn khi cao tuổi. Xơ vữa động mạch có thể bắt đầu xảy ra khi các lớp bên trong của động mạch bị tổn thương bởi các yếu tố: hút thuốc lá thuốc lào; số lượng một số chất béo và cholesterol trong máu tăng hơn bình thường; bị bệnh tăng huyết áp; mức đường trong máu cao hơn bình thường; hít phải khói thuốc lá rất nhiều sẽ làm trầm trọng thêm và đẩy nhanh sự phát triển của xơ vữa động mạch trong động mạch vành, động mạch chủ và động mạch ở chân; người ít hoạt động thể chất; người có thói quen ăn ít rau, ăn nhiều chất béo bão hòa, ăn mặn, ăn quá ngọt; người có cha mẹ hoặc anh chị em bị xơ vữa động mạch; bệnh nhân bị bệnh tim mạch; ô nhiễm không khí… Do thành mạch bị tổn thương, cùng với thời gian, chất béo, cholesterol, tiểu cầu, tế bào mảnh vỡ và canxi lắng đọng trên thành động mạch. Các chất này có thể kích thích các tế bào của thành động mạch tạo ra các chất khác tiếp tục làm dày khối xơ vữa dẫn đến có nhiều tế bào tích tụ trong lớp áo trong của thành động mạch, nơi có tổn thương xơ vữa động mạch. Các tế bào này tích lũy lại, trong đó có nhiều tế bào vỡ ra. Đồng thời, chất béo cũng đọng lại xung quanh các tế bào này. Các mảng xơ này có thể dính lại với nhau hình thành cục máu đông.
Xơ vữa động mạch là gì? 1
 Mảng xơ vữa hình thành trong lòng động mạch.
Biểu hiện của xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là một bệnh diễn tiến chậm, âm thầm và thường không có dấu hiệu ban đầu nên hầu hết người bệnh đều không biết mình có bệnh cho đến khi động mạch bị hẹp một cách trầm trọng hoặc bị tắc hoàn toàn một động mạch. Nguy hiểm hơn, đến khi phải đi cấp cứu khẩn cấp như đau tim hay đột quỵ bệnh nhân mới biết mình bị bệnh. Một số người chú ý đến sức khỏe có thể phát hiện được các triệu chứng như đau ngực hoặc phát ban. Nhìn chung, các triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào động mạch bị tổn thương. Xơ vữa động mạch cảnh là động mạch cung cấp máu lên não, khi bị hẹp có thể bị đột quỵ với triệu chứng: đột ngột suy yếu, khó thở, nhức đầu, nói khó, tê liệt, nhìn khó một mắt hoặc cả hai mắt.
Xơ vữa động mạch vành là động mạch cung cấp máu nuôi tim, nếu sự cung cấp máu đến tim bị thiếu, có thể gây đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim, với các triệu chứng: nôn mửa, hốt hoảng, đau ngực, ho…
Xơ vữa động mạch thận là động mạch cung cấp máu đến thận, nếu việc cung cấp máu bị hạn chế sẽ gây tổn thương thận mạn tính. Bệnh nhân có các triệu chứng: mất cảm giác ngon miệng, phù bàn tay và bàn chân, khó tập trung…
Xơ vữa động mạch ngoại biên là các động mạch chân tay, hay gặp ở động mạch chân bị xơ vữa. Các triệu chứng phổ biến nhất là đau chân ở một hoặc cả hai chân, vị trí ở bắp chân, đùi và mông. Tính chất đau: nặng nề ở chi dưới, chuột rút, các cơ bắp chân. Các triệu chứng khác có thể là: rụng lông chân, ở nam có rối loạn cương dương, tê ở chân, màu sắc của da chân thay đổi, chân yếu…
Khám thấy âm thổi đó là một dấu hiệu của mạch máu bị hẹp dẫn tới việc thay đổi dòng chảy trong mạch; giảm huyết áp ở chi; phình mạch ở gối và bụng; mất mạch hoặc giảm cường độ của mạch; siêu âm, chụp cắt lớp thấy tổn thương xơ vữa động mạch. Do thiếu máu làm cho vết thương ở chi lâu lành…
Xơ vữa động mạch là gì? 2
 Bỏ hút thuốc để phòng tránh xơ vữa động mạch.
Điều trị và phòng bệnh
Mục đích điều trị nhằm làm giảm triệu chứng, giảm các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch; giảm nguy cơ hình thành cục máu đông; phòng ngừa xơ vữa động mạch… Bệnh nhân cần thực hiện ăn uống lành mạnh, năng hoạt động thể chất, phòng tránh thừa cân. Điều trị nội khoa: dùng thuốc để ngăn chặn sự hình thành mảng xơ vữa, dùng các thuốc để giảm cholesterol, thuốc hạ huyết áp…
Phẫu thuật để điều trị các trường hợp xơ vữa động mạch nặng, nong mạch vành hoặc bắc cầu động mạch vành…
Phòng tránh xơ vữa động mạch bằng các biện pháp: ăn thực phẩm giàu chất xơ, giảm ăn mặn, giảm các loại thức ăn có nhiều cholesterol; hạn chế uống rượu bia; tập thể dục đều đặn hàng ngày; bỏ hút thuốc lá thuốc lào; tránh căng thẳng về thể chất và tinh thần…           
ThS. Nguyễn Mạnh Hà

10 nguyên tắc giúp sĩ tử nhớ lâu

Nhớ lâu, nhớ nhiều, nhớ nhanh hay nói một cách khác: trí nhớ tốt, là những điều mà ai cũng muốn có, nhất là đối với các sĩ tử đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi đại học năm nay. Để có được trí nhớ tốt, ít ai biết rằng, ngoài khả năng “trời phú” thì việc rèn luyện và phương pháp tốt cũng góp phần cực kỳ quan trọng.
Các hình thức của trí nhớ
Trí nhớ bao gồm hai hình thức chính: trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Trí nhớ ngắn hạn là trí nhớ đối với sự vật, hiện tượng vừa xảy ra cách đây vài phút, vài giờ, vài ngày. Loại trí nhớ này dễ bị ảnh hưởng bởi các sang chấn như bị chấn thương sọ não, bị tai biến mạch máu não, viêm não... Và khi trí nhớ ngắn hạn không tốt sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ dài hạn. Trí nhớ dài hạn là loại hình trí nhớ đối với các sự vật, hiện tượng, những điều bạn đã trải qua trong nhiều ngày, nhiều tháng hoặc một thời gian rất dài trước đó như những kỷ niệm thời thơ ấu, hình ảnh ông bà đã mất... Đây là những thông tin cũ, được lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc có những ấn tượng sâu sắc khiến bạn không bao giờ quên. Trí nhớ dài hạn là trí nhớ có khuynh hướng không bị mất đi sau những sang chấn hoặc bệnh tật.
10 nguyên tắc giúp sĩ tử nhớ lâu  1Cần hết sức tập trung để ghi lại những điều cần nhớ.
Ngoài hai loại hình trí nhớ trên, còn có loại hình trí nhớ ngay tức thì (đang hoạt động) ở thời điểm hiện tại, ví dụ như bạn đang tìm kiếm một địa chỉ, đang tìm kiếm một số điện thoại bạn vừa được người khác cung cấp hay bạn đang làm tính nhẩm cộng trừ nhân chia. Người ta cũng nói đến loại trí nhớ thứ tư là loại trí nhớ trong tương lai. Đây là khả năng nhớ một việc gì đó trong tương lai như nhớ đến một cuộc hẹn, đi nghỉ mát, bay một chuyến ra nước ngoài...
10 nguyên tắc giúp nhớ tốt
Nguyên tắc thứ nhất là bạn phải hết sức tập trung để ghi lại những điều cần nhớ: Nếu bạn không tập trung, chỉ nhìn và nghe dưới dạng tiềm thức (dưới ý thức) hay là ghi nhận thông tin một cách lơ đễnh, bạn sẽ không thể nhớ nhanh và lâu. Trong khi tập trung để nhớ, cố gắng tìm được những gì đặc biệt nhất ở điều cần nhớ ví dụ như anh bạn vừa gặp có dáng người cao quá khổ, đường phố lạ có nhiều hoa màu đỏ...
10 nguyên tắc giúp sĩ tử nhớ lâu  2Cấu trúc não.

Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc lặp lại: Bạn phải thường xuyên lặp lại những điều muốn nhớ để tạo “lối mòn” trong não, hay nói một cách khác: biến trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn. Một người dù nhớ tốt đến đâu cũng sẽ quên ngay sau vài ngày những điều mà không được lặp lại trong ký ức. Đây chính là mấu chốt của việc học những môn “thuộc lòng” như ngoại ngữ, những bài văn, câu thơ mẫu. Văn ôn, võ luyện chính là một cách luyện trí nhớ tạo phản xạ có điều kiện để có thể nhớ lâu, nhớ dai. 
Nguyên tắc thứ ba là nguyên tắc tạo “dấu ấn”: Khi bạn định nhớ một sự vật, hiện tượng gì đó, bạn cố gắng tạo dấu ấn bằng cách tìm những điều đặc biệt ở chúng, ví dụ như bạn có một số điện thoại cần nhớ là 827391, bạn sẽ nhớ rất nhanh nếu tìm ra đặc điểm của dãy số trên là tổng mỗi nhóm 2 số liền nhau bằng 10 (8 + 2 = 7 + 3 = 9 + 1) và số lớn 8, 7, 9 luôn đứng trước số nhỏ. Cũng có thể nhớ theo kiểu “thu gọn” thông tin ví dụ như câu “How are you?” bạn thu gọn bằng các chữ cái đầu tiên: “HAY”?.
10 nguyên tắc giúp sĩ tử nhớ lâu  3Một trong những nguyên tắc để nhớ lâu là học cách suy luận: nhớ một ý chính, từ đó suy ra những điều còn lại.

Nguyên tắc thứ tư là nguyên tắc “liên hệ”: Khi bạn định nhớ điều gì, bạn hãy cố gắng liên hệ điều đó có liên quan đến những gì khác không, ví dụ chiếc áo này tôi được tặng dịp sinh nhật...
Nguyên tắc thứ năm là nguyên tắc va chạm: Bạn sẽ phải chủ động tạo tần số va chạm với thông tin để tăng khả năng nhớ, ví dụ như học ngoại ngữ bạn phải tiếp xúc và nói nhiều, học từ vựng bằng phiếu từ vựng hoặc thậm chí viết đầy các từ mới treo ở những chỗ dễ quan sát hàng ngày.
Nguyên tắc thứ sáu là nguyên tắc hiểu biết cặn kẽ về thông tin: Bạn không thể nhớ lâu nếu bạn không hiểu về thông tin bạn cần phải nhớ. Điều này thật sự có ý nghĩa nếu như bạn cần phải học những môn có tính suy luận cao như toán, các đặc điểm bệnh lý trong y học. Đối với những lĩnh vực này, bạn không thể nhớ nổi vì lượng thông tin rất dài và khó nhớ.
Nguyên tắc thứ bảy là nguyên tắc “thực hành” hay cảm nhận thông tin càng rõ ràng, cụ thể càng tốt thông qua các giác quan. Cổ nhân có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, sau khi đã “thấy” rồi, bạn lại được tự tay làm thì sẽ không bao giờ quên. Nguyên tắc này cực kỳ quan trọng đối với những môn học phải thực hành nhiều như ngoại ngữ, tin học. Bạn có thể ngồi cả ngày học một vài mẫu câu rồi sau đó vẫn quên nhanh chóng, nhưng chỉ cần một vài lần tiếp xúc với người bản ngữ và  nghe họ nói, bạn sẽ nhớ cả đời.
Nguyên tắc thứ tám là nguyên tắc suy luận: Theo nguyên tắc này, bạn chỉ cần nhớ một ý chính của điều cần nhớ, từ đó suy ra những điều còn lại, ví dụ như bạn chỉ cần nhớ từ “nước biển”, những điều suy ra là “mặn”, “không thể uống được”, “để làm muối”...
Nguyên tắc thứ chín là nguyên tắc hỗ trợ: Bạn nên sử dụng các công cụ hỗ trợ cho trí nhớ như điện thoại nhắc lịch, thời khóa biểu, sắp xếp theo thứ tự quan trọng những việc cần làm...
Nguyên tắc thứ mười - là nguyên tắc quan trọng nhất - nguyên tắc tạo đam mê: Khi bạn đã tìm được niềm thích thú, nỗi đam mê đối với mỗi môn học, mỗi sự vật, hiện tượng, mỗi con người, đương nhiên, việc nhớ những thông tin có liên quan là chuyện cực kỳ dễ dàng và đơn giản thông qua việc bạn sẽ thực hiện bằng mọi nguyên tắc (trong đó có 9 nguyên tắc ở trên) để nhớ... càng lâu càng tốt.
TS.BS. Vũ Đức Định

Cách phòng và xử trí đột quỵ do nắng nóng

Mới đầu mùa hè nhưng nhiệt độ đã tăng rất cao, ở ngoài trời có khi lên tới 41 - 420C. Nhiệt độ cơ thể của chúng ta luôn ổn định ở mức chung quanh 370C nên khi nhiệt độ môi trường tăng quá cao sẽ ức chế các quá trình chuyển hóa của cơ thể, làm tổn thương mô tế bào...
Thế nào là đột quỵ do nắng nóng?
Đột quỵ do nắng nóng (ĐQDNN) là tình trạng thân nhiệt trung tâm cao trên 400C, da nóng, khô kèm theo các rối loạn về thần kinh trung ương như run cơ, co giật và thậm chí có thể hôn mê. ĐQDNN xảy ra khi cơ thể tiếp xúc kéo dài với môi trường có nhiệt độ cao như ở ngoài trời nắng nóng hoặc phải làm việc trong các lò gốm sứ, lò rèn, lò luyện kim... trong điều kiện độ ẩm không khí cao, không thông thoáng. Đây được gọi là ĐQDNN không do gắng sức, thường xảy ra với người già yếu, người có các bệnh mạn tính như bệnh tim, phổi... ĐQDNN cũng xảy ra ở những người phải làm việc với cường độ cao liên tục dưới trời nóng ẩm như các vận động viên chạy việt dã, đua xe đạp hoặc nông dân lao động chân tay trên những cánh đồng. Đây được gọi là đột quỵ nắng nóng do gắng sức. Dựa vào cơ chế sinh bệnh học, ĐQDNN được hiểu là một tình trạng tăng thân nhiệt gây đáp ứng viêm hệ thống dẫn tới tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó tổn thương thần kinh là nổi bật.
Cách phòng và xử trí đột quỵ do nắng nóng 1
 Làm việc dưới trời nắng cần mang mũ nón, trang bị bảo hộ chống say nắng.
Bệnh cảnh do nắng nóng rất đa dạng, biểu hiện từ mức độ nhẹ có thể tự khỏi sau khi nghỉ ngơi (say nắng nóng) đến mức độ nặng, nguy kịch có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề về thần kinh, mặc dù được điều trị tích cực (kiệt sức, ĐQDNN).
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ ĐQDNN, đó là nhóm đối tượng trẻ em và người già; một số người có đáp ứng kém hay kém thích nghi với nhiệt độ cao; phải làm việc hoặc tập luyện quá lâu ở môi trường nắng nóng; tiếp xúc đột ngột với môi trường nắng nóng; thiếu các trang bị bảo hộ ngăn ngừa nắng nóng; người đang sử dụng một số thuốc như thuốc lợi tiểu gây mất nước, điện giải, các thuốc chẹn beta giao cảm điều trị tăng huyết áp, các thuốc chống trầm cảm loại ba vòng, các chất ma túy loại amphetamines hoặc cocaine và cuối cùng là người đang có các bệnh mạn tính như bệnh tim, bệnh phổi, người béo phì, người cơ thể không được khỏe hoặc ăn uống không đầy đủ.
Biểu hiện của đột quỵ do nắng nóng                                                      
Nạn nhân của ĐQDNN là những người đi nắng lâu và không có phương tiện che đỡ hay phải tiếp xúc với nguồn nhiệt cao và lâu (gần các lò nung vôi, gốm...) hoặc phải vận động gắng sức trong môi trường nắng nóng kéo dài.  Các biểu hiện ban đầu luôn có như vã mồ hôi, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh, nông, có khi đau bụng, nôn mửa, sau đó xuất hiện chóng mặt, hoa mắt, mặt tái nhợt, mạch nhanh, ngất lịm, chuột rút, đái ít, sốt cao có khi tới 440C, da và niêm mạc khô, trụy mạch. Cá biệt có trường hợp có tụ máu dưới màng cứng và trong não. Nặng hơn, nạn nhân sẽ có biểu hiện thương tổn thần kinh như li bì, giãy giụa, mê sảng, hôn mê và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Cách phòng và xử trí đột quỵ do nắng nóng 2
 Uống đủ nước khi trời nóng, một cách để phòng đột quỵ.
Xử trí thế nào?
Trước một nạn nhân bị ĐQDNN, việc đầu tiên là phải tìm cách hạ thân nhiệt xuống dần từng bước và càng sớm càng tốt bằng các biện pháp như đưa nạn nhân vào chỗ mát, cởi hết quần áo; chườm lạnh bằng nước đá khắp người hoặc phun nước lạnh hay nhúng cả người nạn nhân vào bể nước lạnh. Khi nhiệt độ xuống 380C, đưa nạn nhân vào chỗ thoáng mát. Sau đó có thể  cho nạn nhân uống aspirin, hoặc aminazin rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi điều trị.
Tại cơ sở y tế, nạn nhân sẽ được hồi sức hô hấp, tuần hoàn, điều chỉnh thăng bằng điện giải, kiềm toan, truyền dịch khoảng 5 lít (đường 5%; NaCl 0,9%), chống suy thận cấp do tiêu cơ vân. Khi cần, phải tiến hành lọc máu cho nạn nhân và điều chỉnh rối loạn các tạng khác: suy gan, rối loạn đông máu, chăm sóc,  nuôi dưỡng đầy đủ... cho tới khi nạn nhân phục hồi.
Phòng chống đột quỵ do nắng nóng
Mặc dù nguy hiểm, nhưng ĐQDNN hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng các biện pháp đơn giản như tránh đi lâu, làm việc kéo dài ngoài trời khi trời nắng to; tránh làm việc lâu khi gần các nguồn nhiệt nóng như lò nung vôi, gốm, lò rèn; mang đủ mũ nón, trang bị bảo hộ lao động cần cho phòng tránh nắng nóng; uống đủ nước, muối khi làm việc trong môi trường nắng nóng; cải thiện môi trường làm việc: thông gió, thông khí đảm bảo; không làm việc hoặc có những hoạt động gắng sức khi cơ thể mệt mỏi, ăn uống không đầy đủ.            
TS.BS. Vũ Đức Định

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons