Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Đối phó với stress

(SKDS) - Stress là một thuật ngữ có giới hạn rộng dùng để chỉ những trạng thái của con người xuất hiện do phản ứng với những tác động đa dạng từ bên ngoài như: điều kiện sống khó khăn, làm việc quá tải và căng thẳng, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, vợ chồng, con cái, đồng nghiệp... Nếu stress cứ liên tục tái diễn hoặc kéo dài sẽ đưa tới nhiều ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe.
Hậu quả của stress
 Stress gây nhiều hậu quả như: Trí óc sẽ bị tổn thương, khả năng nhận xét giảm, trí nhớ rối loạn, tính tình cau có, dễ giận dữ, tâm trạng mệt mỏi, cơ thể suy nhược, có thể rơi vào vòng trầm cảm, lo lắng, hay khóc, mất ngủ, giảm khả năng làm việc. Hoạt động tim mạch rối loạn. Tình trạng bệnh lý trở nên trầm trọng hơn như hen suyễn, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày. Cơ bắp căng đau nhất là ở vùng lưng, cổ, bả vai, da đầu,… Hệ miễn dịch suy yếu, sức đề kháng với các bệnh nhiễm giảm, dễ nhiễm trùng, cảm cúm.
Stress khiến cơ thể béo hơn vì chất béo được huy động để tăng năng lượng. Người bị stress, đêm nằm ngủ thường hay nghiến răng sẽ đưa tới đau nhức khớp xương hàm, không chăm sóc răng lợi chu đáo, sâu răng.
Trong trường hợp trầm trọng, nạn nhân của stress có thể rơi vào một tâm bệnh gọi là Hội chứng hậu chấn thương. Bệnh nhân sẽ sống trong tâm trạng bất ổn, có những ác mộng, những hồi tưởng lại kinh nghiệm đau thương trong quá khứ, sức khỏe tổng quát suy giảm.
Đối phó như thế nào?
Sống không có stress là điều khó có thể thực hiện được, nhất là trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến đổi, kinh tế khó khăn, đạo đức xuống cấp như hiện nay. Làm sao để đối phó với stress mới là điều cần thiết. Mỗi người có những phương cách riêng để giải quyết khó khăn của mình. Sau đây là một vài gợi ý:
- Tìm hiểu nguồn gốc của stress: Có thể là do gặp khó khăn trong công việc làm ăn, thất thoát tài chính, suy yếu sức khỏe, mâu thuẫn gia đình,…  để tìm cách xả stress.
- Sắp đặt lại công việc hàng ngày, theo thứ tự ưu tiên, quan trọng, tránh ôm đồm quá sức. Phân chia thời gian  làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.
- Năng vận động cơ thể. Đang căng thẳng nên đi bộ, bơi lội, hít thở thì stress cũng giảm cường độ khá nhiều.
- Dành thời gian để giải trí với gia đình bạn bè. Tâm sự chia sẻ khó khăn của mình với người đáng tin cậy để nhờ góp ý. Duy trì một tâm trạng hài hước.
- Đề cao cảnh giác, nhận diện và chú ý tới các dấu hiệu báo động sự xuất hiện của stress và sẵn sàng giải quyết. Ghi nhớ các hoàn cảnh stress xảy ra, ở đâu, vào thời điểm nào, tại sao xảy ra… để tránh và giải quyết stress với các khả năng hiện có.  
  Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons