Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Cách chăm sóc bệnh nhân Parkinson

Parkinson là một bệnh thoái hóa mạn tính một số tổ chức ở não (thể vân, liềm đen), là nguyên nhân gây tàn phế ở người lớn tuổi đứng hàng thứ hai sau các bệnh mạch não. Bệnh tiến triển nặng dần và phải điều trị suốt đời, gây tốn kém cho gia đình và xã hội.
Triệu chứng
Bệnh diễn biến từ từ với triệu chứng nhanh mệt mỏi, máy cơ, đau mỏi cơ,… (đây là những triệu chứng không đặc trưng của bệnh).
Có 3 triệu chứng chính: run, cứng cơ (tăng trương lực cơ), giảm động tác.
Run: run khi nghỉ ngơi, run nhỏ, khoảng 4 - 8 lần trong một giây. Run mất khi ngủ và vận động chủ ý nhưng run tăng khi xúc động, mệt mỏi và khi cố gắng tập trung trí óc; run thường bắt đầu ở một bên và chủ yếu ở đầu ngón tay (cử động giống như đếm tiền hoặc vê thuốc lào), cũng có thể run ở chân.
Tăng trương lực cơ (cứng đờ): Lúc đầu cứng ở một bên của cơ thể, sau lan sang bên đối diện và cuối cùng là toàn thân dẫn đến các động tác bị ngừng lại hoặc ngập ngừng khi khởi động.
Giảm động tác: người bệnh ít chớp mắt; giảm điệu bộ với nét mặt không diễn cảm; giảm vung tay khi đi; khó khăn thực hiện được các động tác xen kẽ nhanh như sấp ngửa bàn tay…
Những rối loạn vận động biểu hiện: khi đi, bước từng bước nhỏ với giậm chân lúc khởi động; chữ viết nhỏ; nói khó đơn điệu…
Các triệu chứng khác: hồi hộp trống ngực, vã mồ hôi, rối loạn giấc ngủ, táo bón, đau mỏi các khớp, đau lưng, bất lực ở nam giới, rối loạn cơ tròn bàng quang, trầm cảm (buồn bã, chán nản)… đến giai đoạn cuối bệnh nhân có thể có khó thở và khó nuốt, thể trạng suy kiệt.
Cách chăm sóc bệnh nhân Parkinson 1
Ðiều trị bệnh
Mục đích điều trị: làm giảm các triệu chứng của bệnh như run, cứng, giảm động tác… chứ không phải điều trị làm hết hẳn các triệu chứng để hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc. Nâng thể trạng.
Phương pháp điều trị: bệnh cần được điều trị suốt đời, gồm liệu pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.
Liệu pháp không dùng thuốc: bên cạnh việc dùng thuốc, hồi phục chức năng có một vai trò quan trọng giúp cho người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống, bao gồm tập phục hồi chức năng vận động, ngôn ngữ, tập thể dục, đi bộ...
Điều trị phẫu thuật: Ngày nay, với sự phát triển của y học, ở các nước tiên tiến, người ta có thể áp dụng phương pháp điều trị phẫu thuật (kích thích hoặc phá hủy một số tổ chức ở não hoặc cấy ghép tế bào gốc) trong những trường hợp bệnh giai đoạn cuối, không đáp ứng với thuốc điều trị.
Chăm sóc bệnh nhân Parkinson như thế nào?
Chế độ ăn: Bệnh nhân cần được ăn đủ chất, thức ăn dễ tiêu, nhiều hoa quả, rau xanh, uống nhiều nước tránh táo bón.
Chế độ vệ sinh: vệ sinh thân thể, răng miệng…
Chế độ tập luyện: tập luyện và vận động hằng ngày. Các hoạt động thường xuyên sẽ làm hệ cơ mạnh và dẻo dai hơn. Đi bộ là một trong những phương pháp tập luyện tốt nhất và cùng với việc dùng thuốc nó giúp cho sự linh hoạt của cơ thể người bệnh tăng lên.
Cách chăm sóc bệnh nhân Parkinson 2
 Thăm khám cho bệnh nhân Parkinson.
Một số động tác tập luyện đơn giản:
Đi bộ và xoay người: đi theo đường thẳng, bước từng bước dài và dạng tách hai chân để giữ thăng bằng tốt hơn, đong đưa hai tay đều đặn, khi cần xoay lại hãy đi thành đường cung tròn.
Tập “đi” khi đang ngồi: ngồi trên ghế có lưng tựa, lần lượt nhấc đầu gối phải và trái lên cao như khi đang đi bộ. Lặp lại động tác này 10 lần.
Ngồi lên khỏi giường khi đang nằm: xoay người nằm nghiêng và co hai đầu gối lại. Trước tiên, đặt hai chân ra khỏi giường sau đó dùng hai tay để chống trên mặt giường để ngồi dậy.
Kéo vai: ngồi hoặc đứng với lưng thẳng đứng, hai tay để phía trước, hai bàn tay và hai khuỷu tay áp sát nhau. Đưa hai tay ra hai bên càng xa càng tốt sao cho hai bả vai sau lưng co lại gần nhau. Đưa tay về vị trí cũ ở trước mặt. Lặp lại động tác này 10 lần.
Đứng lên và ngồi xuống: chọn những loại ghế tựa có tay vịn và chỗ ngồi chắc chắn. Khi muốn đứng lên phải nghiêng người về phía trước và dùng hai tay vịn vào bờ ghế để đẩy lên. Khi muốn ngồi xuống, quay lưng về phía ghế và nghiêng người về phía trước rồi từ từ ngồi xuống, dùng hai tay vịn trên tay nắm của ghế.
Động tác vặn người:Ngồi trên ghế, hai tay để trên vai và xoay phần trên của cơ thể từ phải qua trái và ngược lại. Làm càng nhanh càng tốt. Lặp lại động tác này 10 lần.
BS. KHÚC THỊ NHẸN (Khoa Thần kinh - Bệnh viện E Hà Nội)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons