Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Bài thuốc trị chứng chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống

Triệu chứng xanh xao, huyết áp thấp và chóng mặt mỗi lần đứng lên ngồi xuống có thể là biểu hiện khí huyết suy. Theo Đông y, có thể dùng đương quy, hương phụ sắc lấy nước uống.

Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Hội Dược liệu TPHCM, một số bài thuốc Đông y sau có thể hạn chế tình trạng xây xẩm mặt mày khi đứng lên ngồi xuống.

c-JPG_1438006627_1438006650.jpg
Ảnh minh họa. Pinterest.
Bài 1:
Đương quy: 30g, hương phụ: 20g,sắc cùng một lít nước. Khi nước cạn còn 300 ml chia thành 2 phần uống trong ngày. Uống chừng 3 - 5 ngày thì triệu chứng chóng mặt này sẽ thuyên giảm. Nên duy trì uống trong vòng 7 - 15 ngày để hiệu quả cao.
Theo Đông y, khí huyết suy biểu hiện chóng mặt, huyết áp thấp thường xảy ra trong hoặc sau khi hành kinh. Tốt nhất là nên uống trước thời kỳ hành kinh.Hương phụ có tác dụng hành khí giúp khí huyết lưu thông, đương quy có tác dụng bổ huyết.
Bài 2:
Tứ vật thang có tác dụng bổ huyết với 4 vị gồm xuyên khung, đương quy, bạch thược, thục địa. Ngoài ra, thang bổ khí huyết bát trân thang gồm 8 vị gồm 4 vị ở tứ vật thang và tứ quân thang là sâm các loại, phục linh, bạch truật, cam thảo.
Các vị thuốc này sử dụng liều lượng 6 - 20 g mỗi loại, sắc cùng một lít nước và để cạn còn 300 ml uống ngày 2 - 3 lần. Tùy biểu hiện bệnh và thể trạng của từng người mà có thể gia giảm hoặc thay đổi liều lượng vị thuốc cho phù hợp.


Chóng mặt, bệnh hay tấn công người cao tuổi

Chóng mặt là một triệu chứng chủ quan của người bệnh. Người bệnh cảm thấy mọi vật quanh mình quay tít hoặc bản thân bị quay như đứng giữa một cơn lốc, có khi cảm thấy bồng bềnh như đi thuyền trên sóng hoặc bước hẫng, đi lại không vững hoặc đi như bị kéo lệch về một phía. Có lúc người bệnh thấy nhà cửa đu đưa, giường chao đảo, mặt đất dập dềnh. Trong một số trường hợp, chóng mặt kèm theo buồn nôn hoặc nôn, vã mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp, sợ hãi. Xử trí thế nào để giảm rủi ro do cơn chóng mặt?
Vì sao bị chóng mặt?
Cơn chóng mặt xảy ra đột ngột nhưng chấm dứt cũng rất nhanh, chỉ trong mấy giây đồng hồ để rồi xuất hiện trở lại: chóng mặt có thể gặp từ 20-80 tuổi, hay gặp nhất ở quãng 50-60 tuổi. Chóng mặt có khi gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người bệnh.
Chóng mặt, bệnh hay tấn công người cao tuổi
Khi bị chóng mặt, người bệnh cảm thấy mọi vật quanh mình quay tít hoặc cảm giác bồng bềnh  chao đảo như  đi trên sóng.
Nguyên nhân của chóng mặt rất phức tạp, có khi cần sự phối hợp khám của nhiều chuyên khoa như tai - mũi - họng, nội khoa, thần kinh, mắt, Xquang và làm một số xét nghiệm khác. Tuy vậy, thường cũng chỉ tìm được nguyên nhân ở 30% các trường hợp.
Các nguyên nhân chính gây ra chóng mặt là: Chấn thương (va chạm, ngã, đụng đập, tai nạn giao thông...) gây ra chấn động tai trong; Nhiễm độc (rượu, thán khí, oxyt cacbon...); Dùng một số thuốc có ảnh hưởng đến tai trong (tiền đình); Viêm tai giữa, viêm xương chũm, viêm màng não; Nhiễm virut; Rối loạn điều hành tuần hoàn trong tai, huyết áp dao động; Do ống tai ngoài bị bít (vật lạ, ráy tai...); Do có tổn thương trong não.
Chứng bệnh hay gặp ở người cao tuổi
Ở người cao tuổi, hay gặp nhất loại chóng mặt kịch phát theo tư thế. Loại này đột ngột, trước đó không có bệnh gì rõ rệt, thường vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối lúc đi ngủ. Khi đang nằm, đầu nghiêng trên gối quay sang phải hoặc trái, hay quay cả người hoặc đang ngồi mà nghiêng đột ngột sang một bên, người bệnh thấy chóng mặt dữ dội. Thường cơn chóng mặt xuất hiện theo một tư thế nhất định hoặc theo một bên nhất định (bên phải hoặc bên trái).
Phần lớn người bệnh tự mình xác định được tư thế nào gây cơn chóng mặt, do đó tự tìm được cách tránh tư thế đó hoặc làm tư thế đó một cách từ từ, nhẹ nhàng. Xuất hiện bất ngờ, có cơn rất mạnh trong vài ba ngày, chóng mặt kịch phát theo tư thế thưa dần trong thời gian từ vài tuần đến vài tháng; các cơn nhẹ dần, ngắn dần, rồi hết hẳn. Trong các năm sau, cơn có thể phát lại song nhẹ hơn. Tuy vậy, ở người cao tuổi vẫn có 10% người bệnh bị cơn tái đi tái lại trong nhiều năm, bệnh đã trở thành mạn tính.
Đối với người bệnh đang lên cơn chóng mặt, thầy thuốc chỉ nên khám tối thiểu, tránh làm tăng cơn chóng mặt và tôn trọng tư thế nằm mà người bệnh đã chọn, tránh di chuyển không cần thiết.
Nếu người bệnh đồng thời bị chóng mặt, ù tai, điếc có thể nghĩ đến một hội chứng tai trong, gọi là hội chứng Mơ-ni-e (Menière) do sũng nước ở tai trong. Tuy rất khó chịu, hội chứng này có xu hướng tự khỏi; người bệnh có thể hết chóng mặt song vẫn còn ù tai kéo dài và nghe kém.

Các chứng chóng mặt xuất hiện từ từ, xảy ra ở bất kỳ tư thế nào, không dữ dội song kéo dài trong nhiều ngày, có kèm theo rung giật nhãn cầu (động mắt), thường biểu hiện một tổn thương trong não, cần phải được các chuyên khoa phối hợp khám kỹ mới xác định được nguyên nhân và đề ra cách chữa hợp lý.


Tự phát hiện đột quỵ não tại nhà

Theo ThS. BS. Đặng Phúc Đức, Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Quân y 103, kết quả điều trị đột quỵ não phụ thuộc rất nhiều vào thời gian bắt đầu tiến hành điều trị. Do vậy, mọi người cần biết và ghi nhớ triệu chứng chính để phát hiện sớm đột quỵ não tại nhà, có thái độ xử trí đúng, góp phần giảm thiểu tác hại do bệnh mang lại.
Tùy thuộc vào vị trí, kích thước, tính chất tổn thương mà triệu chứng ở các bệnh nhân có thể rất khác nhau. Vì vậy, triệu chứng đột quỵ não rất đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta có thể phát hiện nhanh chóng hầu hết trường hợp đột quỵ não ngay tại nhà.
Cần nghĩ tới đột quỵ não nếu một người đột ngột xuất hiện ít nhất 1 trong 3 triệu chứng sau:
Liệt mặt: bảo bệnh nhân làm động tác nhe răng, thổi lửa thấy miệng không cân xứng
Liệt chi: bảo bệnh nhân giang ngang 2 tay thấy 1 tay xệ xuống
Liệt vận ngôn: nói khó, thay đổi giọng nói, thậm chí không nói được
Ở mức độ nặng, có thể xuất hiện các biểu hiện:
Rối loạn ý thức: đáp ứng chậm chạp, có thể hôn mê, gọi hỏi không trả lời
Rối loạn tâm thần: nói vô nghĩa…
Rối loạn hô hấp: thở nhanh nông
Rối loạn tuần hoàn: huyết áp tăng rất cao hoặc tụt huyết áp
Ngoài ra, có thể xuất hiện nhiều triệu chứng khác:
Đau đầu: thường gặp ở bệnh nhân đột quỵ thể chảy máu
Buồn nôn - nôn: thường gặp ở bệnh nhân đột quỵ thể chảy máu
Chóng mặt
Mờ một mắt
Tê bì nửa người….
BS. Đức cũng lưu ý, các triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột, có thể trong hoàn cảnh bệnh nhân đang khỏe mạnh và sinh hoạt hoàn toàn bình thường.

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Chứng quên ở người lớn tuổi

Theo các chuyên gia thần kinh, suy giảm trí nhớ là một phần tất yếu trong quá trình lão hóa tự nhiên, quá trình này diễn ra ở từng giai đoạn với từng cấp độ khác nhau, ở thể nhẹ thì gây ra tình trạng quên, đãng trí, nặng và trầm trọng hơn sẽ làm mất trí nhớ. Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi khỏe mạnh vẫn phàn nàn chứng hay quên trong cuộc sống hằng ngày.
Biểu hiện sớm của chứng quên là khó khăn trong sử dụng tiền hàng ngày, sử dụng phương tiện giao thông, sử dụng điện thoại, mất kỹ năng mua sắm, khó khăn trong việc làm theo lời hướng dẫn và tìm đường trong thành phố. Nhân cách người bệnh cũng thay đổi, biểu hiện ở sự ngơ ngác, thờ ơ với người khác, luôn than phiền quên, không nhớ...
Ngoài chế độ ăn và tập luyện để tăng cường thể chất và trí nhớ thì bệnh hay quên ở giai đoạn sớm có thể chữa được và ít ra cũng làm quá trình bệnh chậm lại hoặc tạo cho người bệnh có cuộc sống tốt hơn. Vấn đề đặt ra là khi có biểu hiện quên thì nên đi khám bệnh để được xác định nguyên nhân, mức độ quên, tìm các yếu tố nguy cơ và kịp điều trị sớm.
Hiện nay có rất nhiều thuốc điều trị đặc hiệu cho chứng quên do bệnh sa sút trí tuệ, quên sau tai biến mạch máu não, quên thông thường ở người lớn tuổi, quên do các bệnh trầm cảm, stress, Alzheimer... Alzheimer là bệnh đứng hàng đầu (chiếm 50-60%) trong các căn nguyên gây bệnh mất trí nhớ hiện nay. Một số thuốc có tác dụng duy trì trí nhớ và khả năng nhận thức dùng trong điều trị bệnh Alzheimer là các thuốc dinh dưỡng thần kinh, các thuốc tăng cường chuyển hóa, tuần hoàn não.
Vì vậy, đối với trường hợp của bác ngoài chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, thể dục đều đặn thì bác cần đến cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể.

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Nguy cơ chấn động thần kinh từ cú đánh đầu khi đá bóng

Nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics (Mỹ) cho biết, điều này có thể gây chấn động thần kinh ở các cầu thủ.

Đánh đầu khi đá bóng có thể gây chấn động thần kinh - Ảnh: flickr.com
Chấn động thần kinh là một dạng chấn thương não gây ra bởi các ngoại lực tác động vào đầu, khiến cho các chức năng hoạt động bình thường của não bộ bị gián đoạn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và trí nhớ về lâu dài.
Để tìm hiểu những hoạt động cụ thể có liên quan đến chấn động thần kinh khi chơi bóng đá, các nhà khoa học thuộc Trường đại học Y tế cộng đồng Colorado và Trường ĐH Colorado (Mỹ) đã tiến hành phân tích dữ liệu đối với các vận động viên đá bóng khắp các trường trung học ở Mỹ (từ năm 2005 - 2014).
Theo ghi nhận của các nhà khoa học, trong số 1.6 triệu học sinh nam chơi bóng đá thì có 332 người bị chấn động, chiếm tỷ lệ 2,78 người bị chấn động trên 10.000 vận động viên.
Con số này còn cao hơn đối với những vận động viên đá bóng nữ, khoảng 627 người bị chấn động trong số 1,4 triệu sinh viên chơi môn thể thao này, chiếm tỷ lệ 4,5 vận động viên bị chấn động trên 10.000 người chơi.
Nghiên cứu này còn cho thấy rằng, khoảng 68,8% số vận động viên nam và 51,3% số vận động viên nữ đều có những va chạm với nhau khi chơi bóng đá, đây cũng là nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến các vụ chấn thương.
Trong đó, kỹ thuật "đội bóng bằng đầu" được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ chấn động thần kinh, chiếm gần 1/3 số vụ chấn động thần kinh ở nam sinh và hơn ¼ số vụ chấn động thần kinh ở nữ sinh.
Đối với những trường hợp va chạm khác có thể dẫn đến chấn động thì ở nam sinh chiếm 78,1% và nữ sinh chiếm 61,9%.
TS R.Dawn Comstock - dẫn đầu nhóm nghiên cứu khuyến cáo, những người tham gia môn thể thao vua này nên cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những va chạm thân thể, đặc biệt là ở vùng đầu để phòng ngừa chấn động thần kinh có thể xảy ra trong suốt quá trình chơi bóng.


Đột nhiên chóng mặt dữ dội kèm buồn nôn, có nguy hiểm?

Đây là bệnh ít gặp, tần suất của bệnh khoảng một phần nghìn, bệnh thường xảy ra ở nữ gấp hai hoặc ba lần ở nam ở độ tuổi sau 50 tuổi, dù có thể gặp ở mọi lứa tuổi.



Tên khoa học của bệnh là: chóng mặt kịch phát tư thế lành tính
Bệnh nhân nữ, 55 tuổi, đến phòng khám mặt vẫn còn bơ phờ, hốt hoảng vì sáng nay khi ngủ dậy, vừa xoay người ngồi dậy bỗng nhiên cảm thấy mọi vật trong phòng bỗng nhiên quay cuồng, trong người bệnh nhân có cảm giác cực kỳ khó chịu, buồn nôn và nôn.
Cơn chóng mặt diễn ra rất nhanh và hết ngay sau đó, tuy nhiên bệnh nhân vẫn còn cảm giác lâng lâng, và dường như cơn chóng mặt muốn trở lại khi bệnh nhân thay đổi tư thế. Bệnh nhân cực kỳ lo lắng, hoảng hốt vì từ trước đến giờ mình chưa bị lần nào.
Đây là bệnh gì?
Đây là một bệnh ít gặp, tần suất bệnh khoảng một phần nghìn, thường xảy ra ở nữ gấp hai hoặc ba lần ở nam sau 50 tuổi, dù có thể gặp ở mọi lứa tuổi. 
Vì triệu chứng chính của bệnh là chóng mặt dữ dội, xảy ra một cách đột ngột, thường kéo dài dưới một phút khi có sự thay đổi tư thế, đặc biệt là sự chuyển động đột ngột của đầu, nhưng sau đó hết không để lại biến chứng hay hậu quả nghiêm trọng nên tên khoa học của bệnh là: chóng mặt kịch phát tư thế lành tính.
Bệnh do nguyên nhân gì?
Các yếu tố thường gặp làm cho một người dễ mắc bệnh này hơn người khác hay còn gọi là yếu tố nguy cơ là: chấn thương đầu, có phẫu thuật tai trước đó, nhiễm siêu vi hoặc đau nửa đầu.
Tai của chúng ta có ba phần: tai ngoài để hứng âm thanh bao gồm vành tai và ống tai; tai giữa gồm màng nhĩ, khoang tai giữa và chuỗi xương còn có chức năng dẫn truyền âm thanh; tai trong gồm hai bộ phận là ốc tai dẫn truyền âm thanh lên não và tiền đình gồm có ba ống bán khuyên nằm theo ba chiều trong không gian để giữ thăng bằng cho cơ thể.
Nguyên nhân của bệnh là do các tinh thể canxi, hay còn được gọi là sỏi trong các ống bán khuyên chuyển động hoặc nằm sai vị trí, làm các tín hiệu dẫn truyền lên não báo cơ thể đang ở một tư thế khác với tư thế hiện tại nên cảm giác chóng mặt xảy ra.
Bệnh xảy ra khi nào và có nguy hiểm không?
Bệnh hoàn toàn không nguy hiểm. Bệnh chỉ xảy ra khi có sự thay đổi tư thế của đầu và tình huống thường gặp là đang nằm trên giường ở một tư thế khá lâu, sau đó xoay trở qua lại hoặc ngồi dậy, đứng dậy đột ngột hay cúi đầu ra trước đột ngột.
Bệnh không xảy ra khi lái xe hoặc các tư thế không có sự di chuyển đột ngột của đầu. Bệnh xảy ra rất đột ngột và dữ dội nhưng sau cơn bệnh không để lại hậu quả gì, không ảnh hưởng đến thính giác hoặc thị giác khi cơn chóng mặt chấm dứt. Tuy nhiên một số ít trường hợp, bệnh có thể tái phát vào vài ngày, vài tháng hoặc vài năm sau đó.
Bệnh được điều trị như thế nào?
Nếu không điều trị, bệnh tự khỏi sau 2 - 4 tuần. Tuy nhiên trong đợt cấp của bệnh, các triệu chứng nôn và buồn nôn cần được điều trị bằng thuốc và bệnh nhân cần hỗ trợ một số thuốc tăng tuần hoàn não và giảm chóng mặt.
Trong trường hợp cơn chóng mặt có chiều hướng trở lại, bác sĩ sẽ thực hiện nghiệm pháp xoay đầu để lắc các tinh thể canxi trong các ống bán khuyên về vị trí cũ. 
Bệnh nhân cần nằm tư thế đầu cao, thân người và chân làm thành góc 45 độ trong 2 - 3 ngày sau cơn chóng mặt hoặc sau khi bác sĩ chuyên khoa thực hiện nghiệm pháp quay đầu để các tinh thể canxi trong ống bán khuyên được cố định ổn định không còn chuyển dịch nữa.
Phòng ngừa bệnh như thế nào?
Đối với những người từng bị bệnh hoặc những người tuổi trên 50, đặc biệt là nữ giới, cần hạn chế các động tác xoay chuyển đầu mạnh và đột ngột trong hoạt động sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là khi tập thể dục. Đã có không ít bệnh nhân bị bệnh này khi tập yoga với các tư thế không phù hợp.



Xét nghiệm máu giúp dự đoán Alzheimer

Một nhóm các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra phương thức giúp phát hiện bệnh Alzheimer ở người khỏe mạnh và chưa có dấu hiệu nào của bệnh này, đó là xét nghiệm máu.


xet nghiem.jpgXét nghiệm máu có thể phát hiện bệnh Alzheimer
Nghiên cứu phân tích mẫu máu của 500 người trên 70 tuổi và cho thấy người có loại mỡ máu nhất định nào đó sẽ mắc chứng Azheimer trong thời gian 2-5 năm sau đó, trước khi họ có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh.
Theo tác giả nghiên cứu Mark Mapstone, Trung tâm Y khoa Đại học Rochester thì xét nghiệm máu này cho kết quả chính xác đến 90% và sẽ có mặt phổ biến trong vòng 2 - 5 năm tới.
Tác giả cũng cho biết bước tiếp theo là xác định xem xét nghiệm này có áp dụng được ở người trẻ hơn (ở độ tuổi 60, 50 và 40) hay không. Nhóm nghiên cứu tin rằng kết quả này mở ra phương thức điều trị bệnh Alzheimer mới ở người trẻ hơn khi chưa có triệu chứng bệnh.


Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Lời khuyên để có giấc ngủ ngon

Vì sao bạn mất ngủ?
Mất ngủ hay khó ngủ là chứng bệnh gây khó khăn trong đời sống rất nhiều người. Khó ngủ có nhiều dạng, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không yên giấc, dậy sớm không ngủ lại được hoặc tỉnh dậy nhiều lần trong khi ngủ, mỗi lần dài hơn 30 phút. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, nữ bị mất ngủ nhiều hơn nam nhất là ở tuổi gần mãn kinh và càng nhiều tuổi càng dễ bị mất ngủ. Không chỉ người già, ghi nhận gần đây cho thấy tình trạng mất ngủ, khó ngủ xảy ra cả với độ tuổi thanh thiếu niên.
Có rất nhiều nguyên nhân gây mất ngủ. Chẳng hạn, bạn gặp phải một biến cố trong cuộc sống. Biến cố đó ảnh hưởng trực tiếp tới tâm trạng, cảm xúc của bạn cũng khiến bạn mất ngủ. Thói quen sinh hoạt không điều độ cũng là nguyên nhân của mất ngủ. Thời gian ngủ và thời gian thức không hợp lý. Có thể buổi trưa ngủ quá nhiều, buổi tối không ngủ được. Hoặc cũng có thể do đi ngủ quá muộn, đã quá giấc. Nếu bạn lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá hoặc do tác động từ môi trường bên ngoài như phòng ngủ quá nóng hoặc quá lạnh, do tiếng ồn quá lớn, phòng ngủ quá sáng… cũng khiến bạn mất ngủ.
Ngoài ra, còn một lý do khiến nhiều người bỏ qua, đó chính là việc thiếu máulên não cũng khiến cho bạn mất ngủ, ngủ không ngon giấc. Thiếu máu não còn gây nên cảm giác tê bì chân tay hoặc vã mồ hôi trong giấc ngủ.
Bạn cũng nên tạo tâm trạng thư thái để dễ dàng đi vào giấc ngủ. Ảnh minh họa
Bạn cũng nên tạo tâm trạng thư thái để dễ dàng đi vào giấc ngủ. Ảnh minh họa
Các nhà nghiên cứu Anh cho biết, chỉ cần một tuần thiếu ngủ cũng đủ để làm thay đổi hoạt động của hàng trăm gene. Derk-Jan Dijk, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giấc ngủ tại Đại học Surrey (Anh) nói, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hoạt động của các gene trong hệ gene người và thấy rằng thiếu ngủ (ngủ chưa đầy 6 giờ/đêm) ảnh hưởng tới hoạt động của hơn 700 gene, bao gồm các gene liên quan tới kiểm soát viêm, miễn dịch và đáp ứng stress. Hơn nữa số gene bị ảnh hưởng do thiếu ngủ cao hơn 7 lần nếu tình trạng thiếu ngủ kéo dài tới một tuần.
Thiếu ngủ dẫn tới một loạt vấn đề sức khỏe bao gồm: Béo phì, bệnh tim, suy giảm nhận thức. Với trẻ em, thiếu ngủ sẽ gây hậu quả xấu đến sức khỏe và tâm sinh lý. Những đứa trẻ thiếu ngủ rất dễ sinh cáu gắt, tính tình cục cằn… Nếu tình trạng này kéo dài rất dễ nảy sinh các vấn đề về tâm thần.
Làm gì khi mất ngủ?
Theo BS Minh Hương (Trung tâm Tư vấn sức khỏe Minh Hương, Hà Nội), khi lên giường ngủ thì chỉ để ngủ và không làm gì khác (như đọc sách, xem phim...). Nếu không ngủ được sau 10 - 15 phút thì có thể đứng dậy đi làm một việc khác. Những bệnh nhân mất ngủ mãn tính thường rất sợ buổi tối vì họ nghĩ rằng có thể sẽ không ngủ được. Thông thường nếu càng lo sợ thì giấc ngủ càng khó đến, do đó hãy nghĩ đến giấc ngủ một cách nhẹ nhàng, thanh thản thì nó sẽ đến một cách bình yên.
Khi bạn mất ngủ, việc đầu tiên là loại bỏ những nguyên nhân chủ quan gây mất ngủ, chẳng hạn như uống cà phê quá nhiều vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ, ăn quá nhiều chất cay nóng, ăn quá no, đi du lịch đến nơi có sự thay đổi múi giờ quá lớn, do căng thẳng trong công việc... Sau khi biết được nguyên nhân, bạn có thể sẽ tự điều chỉnh để đón giấc ngủ. Bạn cũng nên tạo tâm trạng thư thái để dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Để dễ dàng đi vào giấc ngủ, bạn nên: Đi ngủ ngay khi cảm thấy buồn ngủ, đừng cố cưỡng lại; Không nên ăn tối quá muộn (ăn tối sau 8 giờ) vì ăn tối muộn khiến dạ dày phải hoạt động và làm việc, ảnh hưởng tới việc tiết hormone gây buồn ngủ. Bữa tối không nên ăn nhiều dầu mỡ, dẫn tới khó tiêu, đầy bụng sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ; Không lạm dụng chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu, bia vì những chất này là nguyên nhân khiến thần kinh căng thẳng, khó đi vào giấc ngủ. Trước khi ngủ không nên chơi các môn thể thao vận động mạnh và hạn chế xem các bộ phim quá hấp dẫn. Đọc những câu chuyện quá nhiều cảm xúc gây kích thích thần kinh sẽ khiến khó ngủ hơn.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons