Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Ra mắt phần mềm giúp phát hiện chứng tự kỷ tại Việt Nam

Trung Tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số phối hợp với Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam vừa tổ chức chương trình “Tương tác và khám phá - Ngày hội cùng trẻ tự kỷ”, thu hút hàng trăm trẻ nhỏ, trẻ tự kỷ và các bậc phụ huynh tham gia.

Dự án này là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn, cha mẹ trẻ có con nhỏ, cha mẹ trẻ tự kỷ, và các trẻ tự kỷ. Tham gia vào chương trình này, các cha mẹ cũng có cơ hội giao lưu và kết nối với mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam. 

GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, giảng viên cao cấp Học viện Quản lý Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, đây là chương trình đi theo cách tiếp cận từ gia đình đến cộng đồng, giúp cho các bậc cha mẹ phát hiện sớm chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ.

ra mat phan mem giup phat hien chung tu ky tai viet nam hinh 0
Các bậc phụ huynh được hướng dân truy cập phần mềm A365, phát hiện sớm chứng tự kỷ ở trẻ em

“Chương trình này có thể đánh giá, tự phát hiện con mình theo 5 dấu hiệu cờ đỏ, đưa ra các đánh giá, tự phát hiện con mình theo 5 dấu hiệu cờ đỏ đã được các tổ chức y tế khuyến cáo, giúp cho các bậc cha mẹ phát hiện sớm các dấu hiệu ban đầu về chứng tự kỷ ở con mình. 
Sau đó, họ sẽ có những bài giới thiệu để can thiệp sớm cho các con. Cha mẹ hoặc bất kỳ ai muốn tìm hiểu về những chương trình này đều có thể truy cập online để tiếp cận được. Tôi nghĩ rằng đây là cách làm rất đại chúng, rất phổ thông và rất tốt cho các bậc cha mẹ” - TS Hoàng Yến nói.

Hiện nay, tự kỷ đang là một trong những mối quan tâm lo ngại của toàn xã hội khi mà con số về trẻ tự kỷ ở Việt Nam đang ngày tăng lên theo tình trạng đáng báo động. Việc phát hiện sớm tự kỷ là một vấn đề cấp bách và quan trọng.

Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm, sẽ có nhiều cơ hội can thiệp hiệu quả và hòa nhập xã hội. Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ mắc hội chứng tự kỷ nhưng theo báo cáo của khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ được chẩn tự kỷ trong năm 2010 tăng gấp 4 lần so với năm 2008 và ngày càng có xu hướng tăng lên trong những năm sau.

Hội y tế công cộng ước tính số người tự kỷ ở Việt Nam là 160.000 người. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng con số đó chỉ phản ánh một phần của tảng băng chìm do hiểu biết và khả năng phát hiện, đánh giá, can thiệp còn hạn chế.

Theo Kim Thanh - VOV

                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgrbu8BhUfOAq6KzxZikjVoeKBAjgLLrgt7eQAW6LaENxgaLXGGy4MuLInESHNuYu8pqbmk_754B6A8yZqpjRtPFK6xoBFhy5m2vwwzAOazb0ifkHkpEhL3uXuWQkft-b01AfKuKpFgVdI/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Lười để không hại não?


đãng trí, não, hại não,
Các nhà nghiên cứu kinh tế phát hiện ra rằng, những người ở độ tuổi 40 trở lên đạt hiệu suất tốt nhất khi làm việc khoảng 25h/tuần. Nghĩa là khoảng 3 ngày/tuần nếu làm việc 8h/ngày.
"Khi bạn làm việc quá 25h/tuần, số giờ sẽ tỉ lệ thuận với tác động tiêu cực đến nhận thức”, Viện nghiên cứu ứng dụng kinh tế và xã hội Melbourne công bố.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ cuộc điều tra hộ gia đình, thu nhập và động lực lao động tại Australia và rút ra kết luận nói trên. Điều tra tiến hành với 6.500 người.
Theo đó, với người lao động trung niên trở lên thì “làm việc từ 25-30h/tuần có tác động tích cực đến nhận thức của nam giới, với phụ nữ là 22-27h/tuần”.
Nghiên cứu còn cho thấy, người làm việc 60h/tuần có điểm kiểm tra não thấp hơn những người làm việc ít giờ hơn. Nghĩa là, làm việc thêm nhiều giờ đang ảnh hưởng tới các chức năng nhận thức.
Nhưng điều đó có đồng nghĩa với việc người lao động cần yêu cầu làm việc ít giờ hơn mỗi tuần?
Một giáo sư kinh tế học tại Đại học Quản trị Lancaster, Anh cho biết “nghiên cứu nói trên chỉ nhằm vào đối tượng trên 40 tuổi”.
Dĩ nhiên, cũng có khá nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, người làm việc ít hơn thường hạnh phúc hơn.
Theo Thái An - VietNamNe

                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgrbu8BhUfOAq6KzxZikjVoeKBAjgLLrgt7eQAW6LaENxgaLXGGy4MuLInESHNuYu8pqbmk_754B6A8yZqpjRtPFK6xoBFhy5m2vwwzAOazb0ifkHkpEhL3uXuWQkft-b01AfKuKpFgVdI/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Mất ngủ: Mệt người, hại não

Mất ngủ - ngủ ít hơn bình thường 2 giờ/đêm
Theo thống kê, có đến 163 căn nguyên gây ra bệnh mất ngủ. Trong đó, lối sống hiện đại với nhịp sống dồn dập chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này. Theo Hội tâm thần học Mỹ, trong một năm có đến 40% số người lớn ở quốc gia này than phiền về mất ngủ và trong số đó, có 15-25% là mất ngủ mãn tính.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Bùi Quang Huy (Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện 103): Giấc ngủ là một phần rất quan trọng của cuộc sống. Mỗi năm, con người bỏ ra 220 giờ để ngủ (khoảng 40% thời lượng cuộc đời). Thế nào là mất ngủ? Mất ngủ không thể so sánh người này với người kia được. Có người ngủ 6 tiếng/ngày được coi là đủ, có người phải 8 tiếng, 10 tiếng mới đủ... 
Như vậy, một người chỉ được coi là mất ngủ nếu như bạn ngủ ít hơn bình thường của chính bạn 2 giờ mỗi ngày một đêm. Chẳng hạn, nếu trước đây, bạn ngủ được 8 tiếng/ngày, nhưng giờ đây chỉ ngủ được 5 tiếng hay 4,5 tiếng thì được coi là mất ngủ chứ không phải đợi đến khi thức trắng cả đêm.
Ngoài biểu hiện trên, mất ngủ còn được xem xét dựa trên các yếu tố cụ thể là: Thứ nhất, bạn có dễ đi vào giấc ngủ hay không? Ví dụ, bạn lên giường lúc 9h mà đến tận 10, 11 giờ mới ngủ được thì đó cũng là dấu hiệu cảnh báo. 
Thứ hai, bạn có thức dậy giữa chừng lúc đang ngủ mà không vì bất cứ một lý do nào từ ngoại cảnh như: buồn vệ sinh, có tiếng động mạnh, đau bụng... không? Thứ ba, Bạn có giữ được giấc ngủ lâu không? Chẳng hạn, nếu không may tỉnh giấc vào lúc 2,3 giờ sáng thì bạn có ngủ tiếp được không? Nếu hội tụ tất cả các yếu tố này thì không cần bàn cãi gì nữa mà có thể kết luận là bạn đang gặp rắc rối liên quan đến giấc ngủ.
Thực tế cho thấy, tình trạng mất ngủ được đánh giá là trầm trọng nếu nó kéo dài trên 3 tháng. Thông thường, những người mất ngủ vào ban ngày sẽ thấy rất mệt mỏi, tinh thần uể oải, nhưng đến buổi trưa, buổi chiều thì thấy bình thường. Đến buổi tối những người này lại hơi vui vẻ, hưng phấn nên rất khó vào giấc ngủ. Lúc xem tivi, lúc trò chuyện, lúc đọc báo họ có thể ngủ gật nhưng đến khi vào giấc ngủ thì lại rất tỉnh táo.
Có thể gây chết tế bào thần kinh
Mất ngủ không chỉ khiến chúng ta rơi vào tình trạng mệt mỏi mà chỉ cần sau một đên, nhan sắc đã có sự đi xuống thấy rõ, biểu hiện rõ nhất là mắt trũng, da nhăn. Lý giải về hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng: Hệ thống thần kinh và da của con người cùng chung một nguồn gốc bào thai nên hoạt động chung của cơ thể có thể phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp ra ngoài da. 
Một giấc ngủ không đủ thì tuần hoàn trong cơ thể kém, khiến người bệnh mặt kém hồng hào, mắt kém nhanh nhẹn... Đây là những ảnh hưởng tuy nhỏ nhưng chúng ta cần lưu ý nếu không muốn rơi vào tình trạng sớm lão hóa.
Không chỉ gây sa sút về nhan sắc, mất ngủ còn khiến trí tuệ bị giảm sút. Sở dĩ như vậy là vì khi ngủ ngon giấc, các mạch máu được lưu thông, khả năng lao động của trí óc nhờ thế được phục hồi. Khi mất ngủ, trí óc sẽ trở nên kém nhạy bén, dẫn đến tình trạng hay quên, thiếu tập trung...
Ngoài những vấn đề trên ra, các nhà nghiên cứu tại trường đại học Mexican Metropolitan Autonomous (UAM) còn khẳng định: tình trạng mất ngủ triền miên có thể làm xuất hiện một số phân tử có độc tính trong máu. Khi dòng máu chứa độc tính này tiếp cận với hệ thống thần kinh trung ương, nó sẽ ảnh ưởng tiêu cực đến chức năng thần kinh của cơ thể.
Cụ thể, nó làm giảm chức năng bảo vệ của hàng rào máu não, gây kích thích quá mức các tế bào thần kinh. Như vậy, về lâu, về dài, nếu không được ngăn chặn kịp thời, hiện tượng này sẽ dẫn tới hoa mắt, chóng mặt, thay đổi hành vi hoặc thậm chí gây chết các tế bào thần kinh.
Cần loại bỏ lý do gây mất ngủ
Thông thường, những người bị mất ngủ một, hai hôm thì không chú ý đến vấn đề này. Sau đó, nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn, họ sẽ tìm cách tự khắc phục bằng những bài thuốc truyền miệng như đếm cừu, uống tâm sen... nhưng thực sự vẫn không hiệu quả. Khi đó, họ mới tìm đến bệnh viện và lúc này, tình trạng có thể đã kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng và tương đối khó chữa trị.
Trong điều trị mất ngủ, ngoài các đơn thuốc hỗ trợ của bác sĩ, loại bỏ căn nguyên gây ra tình trạng này là điều quan trọng nhất. Cụ thể, nếu mất ngủ vì một bệnh nào đó (hay tiểu đêm nhiều chẳng hạn) thì phải chữa bệnh tận gốc; nếu lý do là bởi công việc căng thẳng thì cần giảm tải công việc, không nên quá sức; nếu vì lo lắng thì cần tìm cách giải thoát tư tưởng khỏi mối lo này bằng cách gặp gỡ bạn bè, chơi thể thao, không ở một mình...
Ngoài ra, bạn không nên sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê bởi đây là những yếu tố khiến bạn khó đi vào giấc ngủ. Bên cạnh đó, bạn đừng ngủ trưa quá nhiều, chỉ 30 phút/ngày là đủ.
Tương tự như vậy, đừng nên ăn quá no vào buổi tối, bởi cảm giác ậm ạch sẽ khiến bạn khó chịu và khó ngủ. Tắm nước ấm trước khi đi ngủ cũng là cách thư giãn cơ bắp, giúp giấc ngủ đến nhanh hơn. Một bí kíp nữa là hãy ngủ ở nơi thoáng mát, nhiều không khí lưu thông để cơ thể cảm thấy thoải mái, không có cảm giác trằn trọc, khó chịu.
Mất ngủ là không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn hao tốn tiền bạc khi chữa trị, thế nên, yếu tố phòng bệnh vẫn luôn được đề cao. Theo đó, dù công việc có bận rộn thế nào, bạn cũng không nên quá gắng sức, đặc biệt là gắng sức trong một thời gian dài. Hãy dành thói quen khoa học là làm việc có giờ, nghỉ ngơi hợp lý.
Bên cạnh đó, việc ăn uống cũng cần điều độ, tránh ăn các thực phẩm cay, nóng, khó tiêu. Về tâm lý, cần giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng. Ngoài ra, việc tập luyện thể dục thể thao cũng cần thực hiện thường xuyên. Theo khuyến cáo của Viện Y học thể dục thể thao Mỹ, mỗi người nên đi bộ 30 phút/ngày.
Theo Ngọc Vi - Sức khỏe gia đình

                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgrbu8BhUfOAq6KzxZikjVoeKBAjgLLrgt7eQAW6LaENxgaLXGGy4MuLInESHNuYu8pqbmk_754B6A8yZqpjRtPFK6xoBFhy5m2vwwzAOazb0ifkHkpEhL3uXuWQkft-b01AfKuKpFgVdI/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Mỗi năm, khoảng 40.000 người Việt Nam tử vong do trầm cảm

Hiện có khoảng 30% dân số bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tới 15-25%. Hầu hết trường hợp tự tử đều do rối loạn tâm thần, trong đó 75% trầm cảm, 22% nghiện rượu, nghiện ma túy, cờ bạc, chỉ 3% còn lại do tâm thần phân liệt, động kinh.
Hơn thế, 85% bệnh nhân ung thư hiện nay bị trầm cảm. Với người mắc đái tháo đường chưa kiểm soát, tỷ lệ này cũng tương tự. Bệnh nhân đang được điều trị ổn định về đường huyết tỷ lệ trầm cảm điển hình là 25%. Trầm cảm làm tăng gấp đôi nguy cơ chết ở người mắc đái tháo đường và ngược lại.
Theo PGS.TS Cao Tiến Đức, trầm cảm là bệnh phải điều trị sớm và uống thuốc đều đặn. Một năm tỷ lệ tử vong ở nước ta do tai nạn giao thông khoảng 10.000-13.0000 người, trong khi số lượng tự tử lên đến 36.000-40.000 người, gấp 3-4 lần song ít người nhắc đến
Nguyên nhân trầm cảm
PGS.TS Cao Tiến Đức cho hay, trầm cảm là chứng bệnh của hệ thần kinh, chịu nhiều tác động của môi trường sống, điều kiện làm việc, yếu tố tâm lý. Tỷ lệ mắc cả đời là 15% trong dân chúng và có thể lên đến 25% ở giới nữ, hay gặp ở lứa tuổi từ 18-45. Đây chính là nguyên nhân gây suy giảm các chức năng nghề nghiệp, xã hội thứ hai sau các bệnh lý tim mạch.
Nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh trầm cảm đa phần do sang chấn tâm lý khi bị chấn động bởi một “cú sốc” nào đó ở trong cuộc sống hoặc do phải làm việc, sống trong một môi trường áp lực kéo dài quá sức chịu đựng.
Trong đó, một số áp lực tâm lý hay gặp như mất người thân, ly hôn, con cái bỏ nhà, bị người yêu cự tuyệt, áp lực cơm áo gạo tiền... Những sang chấn này dần dần tác động khiến người bệnh rơi vào trạng thái thất vọng, chán nản và đau khổ. Tương tự,  khi lý tưởng bị tiêu tan, mất hy vọng, thành công hay thất bại trong sự nghiệp, phạm lỗi, bị xử phạt, bị hiểu lầm làm giảm tính tự tôn cũng dễ dẫn tới trầm cảm.
Dấu hiệu nhận biết người bị trầm cảm
Theo PGS Đức, bệnh trầm cảm có nhiều loại, ở người cao tuổi, vị thành niên, người trưởng thành, trầm cảm loạn thần, cảm ẩn. Mỗi loại đều có những triệu chứng khác nhau.
Người bị trầm cảm thông thường hay có vẻ mặt buồn rầu, nét mặt đơn điệu, ánh mắt chậm chạp, lơ đãng, giảm hoặc mất sự quan tâm thích thú của mình trước đây.
Ngoài ra, có những triệu chứng khác như ăn không thấy ngon miệng, thường xuyên mất ngủ, ngại giao tiếp và đến nơi đông người vì thiếu tự tin.
Đặc biệt, triệu chứng nguy hiểm và dễ nhận ra nhất là việc người bệnh luôn cảm thấy chán sống, muốn từ bỏ tất cả và có ý nghĩ tự sát. Ngay khi phát hiện ra điều này cần sớm đưa người bệnh đi chữa trị ngay”, PGS Đức khuyến cáo.
Chuyên gia này cho biết có rất nhiều các vụ tự tử là do căn bệnh này. Đáng lo ngại khi không chỉ bản thân người bệnh muốn chết, họ còn muốn kéo theo người thân tự tử cùng.
Về khả năng chữa trị bệnh trầm cảm, theo PGS Đức, người bệnh phải trải qua quá trình điều trị lâu dài. Họ được dùng thuốc chống trầm cảm, kết hợp với thuốc an thần, thuốc giải lo âu.
Bác sĩ lưu ý, tất cả bệnh nhân trầm cảm đều có thể có ý muốn và hành vi tự sát, song phải cần ít nhất từ 2-3 tuần thì thuốc chống trầm cảm mới có tác dụng và mới cải thiện được triệu chứng trầm cảm của bệnh nhân. Vì vậy việc theo dõi bệnh nhân chặt chẽ trong 2 tuần đầu điều trị là rất quan trọng.
Theo Minh Loan - Sức khỏe và Đời sống


                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgrbu8BhUfOAq6KzxZikjVoeKBAjgLLrgt7eQAW6LaENxgaLXGGy4MuLInESHNuYu8pqbmk_754B6A8yZqpjRtPFK6xoBFhy5m2vwwzAOazb0ifkHkpEhL3uXuWQkft-b01AfKuKpFgVdI/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Thiếu máu não có nguy hiểm?


Thiếu máu não là tình trạng giảm lưu lượng máu đến não, dẫn tới giảm cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng nuôi não làm tế bào thần kinh thiếu năng lượng hoạt động, ảnh hưởng đến cấu trúc, sự tồn tại và phát triển của hệ thần kinh trung ương. Thiếu máu não ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như không đảm bảo hoạt động sống bình thường cho người bệnh.
Nhận biết bệnh như thế nào?
Người bị thiếu máu não thường có các biểu hiện sau:
Đau đầu: Người bị thiếu máu não thường hay bị đau đầu. Những cơn nhức đầu khủng khiếp luôn xảy ra. Lúc đầu, người bệnh chỉ bị đau nhói một vùng nào đó cố định, sau đó dần dần cơn đau sẽ lan ra khắp đầu, đầu và cơ thể  nặng trịch nhất là những lúc phải di chuyển, suy nghĩ nhiều hay khi mới ngủ dậy.
Hoa mắt, chóng mặt, ù tai: Những cơn choáng, hoa mắt, chóng mặt và mất thăng bằng sẽ xuất hiện vào những lúc không ngờ nhất. Nếu người bệnh cảm thấy mình đứng không vững nữa hãy dựa ngay vào đâu đó. 
Nếu không có chỗ bám thì cần ngồi thụp xuống, tránh để bị mất thăng bằng không tự chủ, không kiểm soát được rất dễ bị ngã ra đằng sau. Với người bị bệnh đặc biệt là người già, ngã như vậy rất nguy hiểm gây ra các chấn thương về xương khớp hoặc sọ não.
Mất ngủ: Người bị thiếu máu não rất hay gặp phải các vấn đề về giấc ngủ như ngủ chập chờn, thường gặp ác mộng, ngủ hay thức cũng khó kiểm soát được, tỉnh giấc vào giữa  đêm hoặc đến sáng mới ngủ được. 
Do mất ngủ triền miên nên người bệnh luôn cảm thấy chán nản và mệt mỏi, không có hứng thú cũng như tinh thần để làm việc. Tâm trạng hay gắt gỏng, thờ ơ với mọi thứ xung quanh và rất dễ bị kích động.
Suy giảm trí nhớ: Việc thiếu máu não dẫn đến máu không được đẩy lên đủ để não bộ có thể hoạt động. Hiện tượng nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt… xảy ra thường xuyên sẽ khiến bệnh nhân giảm dần trí nhớ, quên nhanh mọi việc. Suy giảm trí nhớ vừa do tình trạng lão hóa ở tế bào não, thoái hóa não, teo não, vừa do tình trạng thiếu máu nuôi não.
Tê bì, nhức mỏi chân tay: Người mắc bệnh thường có cảm giác tê ở đầu các ngón tay, đôi lúc cảm thấy dưới da râm ran như bị kiến bò. Hay bị đau dọc xương sườn, đôi lúc có cảm giác lạnh sống lưng, chân tay nhức mỏi, đau dọc vai gáy và đau dọc các xương sườn. Việc tê đầu ngón tay và toàn thân nhức mỏi do đau xương gây rất nhiều bất tiện đối với người bệnh.
Nguyên nhân gây thiếu máu não
Trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến thiếu máu não, thứ nhất đó là chế độ ăn uống quá thừa chất, thứ hai là yếu tố lười vận động, từ đó dẫn đến xơ vữa động mạch và thiếu máu não mạn tính ở người cao tuổi. 
Ngoài ra những biến động xã hội, tệ nạn xã hội, căn bệnh đái tháo đường, thừa cân, tình trạng hút thuốc lá, bia rượu, huyết áp thấp ở nữ giới... cũng là những yếu tố nguy cơ gây bệnh thiếu máu não.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý thiếu máu lên não đó là: Xơ vữa động mạch và thoái hóa đốt sống cổ. Điều này sẽ khiến hẹp lòng mạch máu nuôi não và đè ép vào mạch máu nuôi não làm giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng não, giảm khả năng cung cấp ôxy cho não... gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. 80% các trường hợp thiếu máu não có nguyên nhân từ sự xơ vữa, lão hóa động mạch.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác cũng gây ra căn bệnh thiếu máu não như: Dị dạng bẩm sinh hay u, sùi, bóc tách thành mạch làm hẹp lòng mạch; các cục máu đông gây cản trở dòng tuần hoàn máu; các chèn ép từ bên ngoài vào thành động mạch; co mạch máu… Tất cả những yếu tố này đều gây ra hiện tượng giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng não, giảm cung cấp oxy cho não.
Giải pháp nào ứng phó?
Não rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy. Nếu tế bào não thiếu oxy trong 10 giây thì hoạt động chức năng đã bị rối loạn, và nếu sự thiếu hụt này kéo dài đến 4 phút, các tế bào thần kinh sẽ bị hủy hoại và không hồi phục lại được mà theo y học hiện đại, chúng ta gọi là tai biến mạch máu  não. Vùng não bị tổn thương sẽ gây ra triệu chứng của phần cơ thể mà vùng não đó chi phối.
Để điều trị bệnh thiếu máu não hiệu quả, thì lượng máu tuần hoàn trong cơ thể luôn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đầy đủ cho hoạt động của các mô cơ quan. Lưu lượng máu lên não trung bình khoảng 55ml/100g não/1phút, nếu giá trị này chỉ dao động ở mức 30 - 50 ml gọi là thiểu năng tuần hoàn não (hay thiếu máu não). 
Lượng máu lên não giảm có thể do xơ vữa mạch máu hoặc bệnh lý thoái hóa đốt sống cổ gây chèn ép mạch máu đốt sống thân nền. Điều trị thiếu máu não cần kết hợp chế độ sinh hoạt ăn uống và sử dụng các loại thuốc khác nhau tùy theo tác nhân gây bệnh.
Làm gì để phòng bệnh?
Bệnh lý mạch não là một nhóm bệnh khá phổ biến hiện nay với tỷ lệ mắc rất cao. Ví dụ ở vùng chẩm bị thiếu máu thì có thể biểu hiện mắt mờ hoặc ù tai. Nếu những biểu hiện này kéo dài dưới một giờ đồng hồ thì gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua và bệnh nhân sau đó có thể phục hồi bình thường. Còn nếu những biểu hiện này kéo dài quá một giờ thì gọi là thiếu máu não cục bộ và thường để lại một số di chứng như rối loạn cảm giác, yếu nửa người…
Để phòng bệnh thiếu máu não, các bà nội trợ cần chuẩn bị tốt khẩu phần ăn cung cấp đầy đủ các nguyên liệu tạo máu cho các thành viên trong gia đình.
Bổ sung chất đạm, sắt. Các axit amin này có nhiều ở thịt nạc, cá, trứng, các loại sữa, đậu nành…Bên cạnh đó, việc chế biến thức ăn cho người thiếu máu cũng cần phải phối hợp cân đối giữa thịt và các loại rau củ. Những loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt và chất khoáng vi lượng trong gan gà, gan heo, bò, vịt, thận, tim, huyết của gà, vịt, heo; thịt nạc của bò, dê, gà, vịt, lòng đỏ trứng; hải sản như ngao, sò, hến, cá và các loại đậu.
Tăng cường các thực phẩm chứa nhiều vitamin: Vitamin B12 trong các thực phẩm giàu chất đạm, vitamin C trong rau cải, trái cây tươi. Những thực phẩm chứa vitamin C cần sử dụng khi còn tươi, sống hoặc nấu vừa chín để không bị hao mất vitamin.
Dùng viên bổ sung chất sắt: uống viên nang bổ sung chất sắt có thể gây khó chịu ở dạ dày, gây buồn nôn và táo bón vì thế nên uống thuốc sau khi đã ăn no và nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả.
Tập luyện thể thao thường xuyên: Những phương pháp luyện tập như đi bộ, khí công, dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền, luyện thở là lựa chọn tốt nhất giúp cung cấp thêm dưỡng khí cho não cũng như toàn thân.
Để phòng bệnh thiếu máu não chúng ta cần có chế độ nghỉ ngơi và làm việc khoa học, không để tình trạng căng thẳng kéo dài; tránh những chất kích thích như bia, rượu, cà phê... và có lối sống khoa học với những hoạt động giải trí lành mạnh.
Theo TS. Lê Triệu Anh - Sức khỏe và Đời sống

                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgrbu8BhUfOAq6KzxZikjVoeKBAjgLLrgt7eQAW6LaENxgaLXGGy4MuLInESHNuYu8pqbmk_754B6A8yZqpjRtPFK6xoBFhy5m2vwwzAOazb0ifkHkpEhL3uXuWQkft-b01AfKuKpFgVdI/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Dấu hiệu bệnh đãng trí

Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần quốc gia, Alzheimer hay bệnh đãng trí là bệnh thoái hóa và tiến triển của não bộ gây tác hại cho tế bào thần kinh làm thiếu hụt một chất gọi là acetycholine. Sự thiếu hụt chất này làm suy giảm khả năng nhớ, suy nghĩ, giao tiếp và thay đổi hành vi của bệnh nhân.
Đây là một trong những rối loạn nhận thức phổ biến nhất. Ở các nước phát triển tỷ lệ mắc 5-10% ở thập kỷ 70, sau đó tăng lên 25%. Bệnh tăng mạnh theo tuổi, tại Việt Nam cũng đã gặp ở những bệnh nhân dưới 40 tuổi.
dau-hieu-benh-dang-tri
Bệnh đãng trí thường gặp ở người có tuổi, tuy nhiên tại Việt Nam cũng gặp bệnh nhân dưới 40 tuổi. Ảnh: WP.
Triệu chứng của bệnh đãng trí xuất hiện từ từ, được chia thành 3 giai đoạn: sớm, giữa và muộn. Ở giai đoạn sớm, người bệnh có vẻ lo lắng, hay quên và thay đổi hành vi. Bệnh nhân thường phải tìm kiếm từ ngữ khi giao tiếp hoặc không thể nhớ được các sự kiện xảy ra trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn còn nhớ rõ những sự kiện quá khứ đã xảy ra rất lâu.
Bệnh không thể chữa khỏi nhưng nếu bệnh nhân đến viện sớm, được hướng dẫn điều trị thì có thể làm chậm lại quá trình này. Liệu pháp điều trị cho gồm: thuốc, giáo dục và hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các hoạt động hàng ngày. 
Ngoài ra, chế độ ăn cũng có thể làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ. Đó là khẩu phần ăn của người Địa Trung Hải gồm nhiều thực phẩm giàu axit béo omega 3 như: cá, thịt gà, salad cũng như các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa, sữa và hạn chế ăn thịt đỏ.
Bên cạnh đó cũng cần phân biệt, hiện nhiều người còn trẻ nhưng đã có biểu hiện hay quên. Đây không phải bệnh Alzheimer mà là do stress, áp lực công việc.
Bác sĩ khuyến cáo, những người từ 50 tuổi trở lên, có ít nhất một trong các triệu chứng sau nên đi khám sàng lọc chứng bệnh hay quên:
- Hay quên ngay những điều vừa mới nghe hoặc những điều vừa mới dự định làm.
- Khó khăn để nhớ thực hiện những việc quen thuộc hàng ngày (vệ sinh cá nhân, ăn uống…).
- Quên những từ đơn giản hoặc dùng từ không đúng.
- Có thể bị lạc ở một nơi đã từng rất quen thuộc, hoặc không thể nhớ phải làm thế nào để đến được nơi đó hoặc từ đó quay trở về nhà.
- Khó nhận biết con số hoặc thực hiện các phép tính đơn giản.
- Quên vị trí đồ vật vẫn thường để chỗ quen thuộc.
- Tâm trạng, khí sắc dễ thay đổi.
Theo Hà An - VnExpress

                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgrbu8BhUfOAq6KzxZikjVoeKBAjgLLrgt7eQAW6LaENxgaLXGGy4MuLInESHNuYu8pqbmk_754B6A8yZqpjRtPFK6xoBFhy5m2vwwzAOazb0ifkHkpEhL3uXuWQkft-b01AfKuKpFgVdI/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Cách xử lý bệnh đau đầu khi thời tiết chuyển sang hè

Một trong những nguyên nhân là do mệt mỏi mà chúng ta bỏ bữa, lại không uống nước kịp thời.

Đau đầu vì thiếu nước
Theo các bác sĩ, thời tiết này có nhiều nguyên nhân gây đau đầu hoặc đau nửa đầu. Đáng chú ý là nắng mới, mồ hôi túa ra khiến cơ thể mất nước nhưng nhiều người uống thiếu nước, không bổ sung nước kịp thời cho cơ thể cũng gây đau đầu.
Việc bỏ bữa sáng, hay bỏ bữa trong ngày cũng có thể gây đau đầu không rõ ràng. Và theo các bác sĩ, riêng ăn uống thiếu chất, thần kinh căng thẳng… đã dẫn đến hơn 70% trường hợp đau đầu cấp tính (đau hai bên thái dương, đầu căng nhức liên tục, nhói lên ở một vùng rồi lan tỏa âm ỉ).

Không bổ sung nước cho cơ thể kịp thời rất dễ bị đau đầu. Ảnh minh họa
Không bổ sung nước cho cơ thể kịp thời rất dễ bị đau đầu. Ảnh minh họa
Còn nhiều nguyên nhân gây đau đầu khác, như thay đổi thời tiết, stress, ăn uống đồ lạnh nhanh, ăn ngủ thất thường, mùi thơm quá đậm, đèn quá sáng, tiếng ồn quá mức, môi trường không trong lành (đóng cửa bật điều hòa), có người hút thuốc còn gây nhức đầu chùm, đau nửa đầu cho người xung quanh…
Bị đau nửa đầu nếu không điều trị sớm có thể dẫn tới mờ mắt. Và nếu lặp lại nhiều lần còn có nguy cơ dẫn đến đột quỵ, nhất là phụ nữ, những người béo, người ít vận động, dân văn phòng (do ngồi máy tính nhiều, có tiền sử huyết áp thấp, thiếu máu não, chóng mặt, ngủ dậy hay bị đau, tê tê nửa đầu, mắt nhòa mờ…).
Đau nửa đầu cũng hay gặp ở học sinh, tuổi này con trai lại dễ mắc hơn con gái, điển hình là đau một bên, buồn nôn, đau bụng…
Theo các bác sĩ, đau nửa đầu có đặc điểm là đau đầu từng cơn, tái diễn có chu kỳ, khi tần suất nhiều là đã nặng.
Khi có người bị đau đầu, cần cho bệnh nhân nằm nghỉ nơi yên tĩnh, ít ánh sáng. Không nên di chuyển, tiếp xúc với tiếng động, ánh sáng vì sẽ đau đầu hơn.
Đa số ngủ được giấc sâu và dài, khi thức dậy sức khỏe hồi phục nhanh. Tuy vậy có người ngủ dậy hết đau, nhưng mệt mỏi uể oải vài ngày mới hết hẳn. Những người không ngủ được sẽ rất mệt mỏi, nhức đầu âm ỉ vài ngày. Và nếu không chữa trị, bệnh ngày càng nặng, tần suất dày và tồi tệ hơn, dẫn tới suy sụp tinh thần và những biến chứng nguy hiểm.

Cần nghỉ ngơi nơi yên tĩnh khi gặp cơn đau đầu. Ảnh minh họa
Cần nghỉ ngơi nơi yên tĩnh khi gặp cơn đau đầu. Ảnh minh họa
Mẹo ăn uống ngừa đau đầu
Nếu hay bị đau đầu “tấn công”, cần ăn thực phẩm có hàm lượng calo thấp, ít chất béo. Ăn các loại chất béo có lợi (dầu oliu, dầu cá thu, cá mòi… có omega 3 cao) ngừa chứng đau nửa đầu.
Vitamin B rất hiệu quả để trị chứng đau nửa đầu, nhất là B2, B3, B6. Magie (có trong gạo, đậu nành, nấm, đào, nhãn, lạc, rau lá xanh tươi, cà chua nghiền, các loại hạt, đậu, khoai tây, men chiết xuất từ những thức ăn giàu magie) giúp tăng cường sức đề kháng…
Các thực phẩm nhiều dinh dưỡng, giúp giảm đau đầu giao mùa xuân - hè nên dùng là rau tươi, quả tươi với các món đồ, hấp luộc, nướng.
Thực phẩm giàu protein như thịt gà tây, thịt gà, trứng, các sản phẩm từ sữa, chuối, đậu, gạo, các loại hạt cũng rất có ích để phòng ngừa đau đầu.
Hàng ngày nên uống các loại sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa và sản phẩm từ sữa… để bổ sung nước đủ để cơ thể không bị mất nước.
Uống 1-2 lít nước/ngày để giảm tần suất, mức độ cơn đau. Hãy uống nhiều nước ngay cả khi không cảm thấy khát, bổ sung ngay nước muối sinh lý khi ra nhiều mồ hôi để tránh đau đầu vì không bổ sung nước kịp thời.
Khi gặp cơn đau đầu không nên dùng nước có ga, cafein, thực phẩm có chỉ số đường huyết cao… để tránh tăng cơn đau
Theo BS Hữu Lợi (Viện Châm cứu Trung ương), không ai tránh khỏi đau đầu, nhưng càng thưa càng tốt, càng nhẹ càng hay. Y học cổ truyền có những liệu pháp giảm đau đầu không dùng thuốc đôi lúc nhanh, hiệu quả và giảm chi phí chữa trị hơn thuốc giảm đau như: Châm cứu, thủy liệu pháp, hương liệu pháp, massage, yoga, dưỡng sinh, vật lý trị liệu… được khuyến khích hơn vì không có phản ứng phụ như với hóa chất tổng hợp.
Đau đầu nói chung nên đi khám chuyên khoa thần kinh để xác định nguyên nhân để chẩn đoán loại trừ, cắt cơn và tư vấn điều trị dự phòng cơn đau. Không nên sử dụng thuốc giảm đau bừa bãi.
Theo Uyển Hương - Gia đình và Xã hội


                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgrbu8BhUfOAq6KzxZikjVoeKBAjgLLrgt7eQAW6LaENxgaLXGGy4MuLInESHNuYu8pqbmk_754B6A8yZqpjRtPFK6xoBFhy5m2vwwzAOazb0ifkHkpEhL3uXuWQkft-b01AfKuKpFgVdI/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Tâm thần phân liệt - bệnh thường gặp ở người trẻ

Nguyên nhân gây bệnh cho đến nay chưa được làm sáng tỏ nên việc xử trí chủ yếu là điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng tâm lý xã hội.
Có thể nói tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng tiến triển một cách từ từ và có khuynh hướng trở nên mạn tính. Nguyên nhân gây nên bệnh lý này chưa được biết rõ, chúng làm cho người bệnh tách dần ra khỏi với cuộc sống ở chung quanh để thu hẹp dần vào thế giới bên trong; từ đó tình cảm trở nên khô lạnh, khả năng học tập, làm việc và lao động ngày một giảm sút; có những ý nghĩ và hành vi khá kỳ dị, khó hiểu.

Biểu hiện bệnh lý

Người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường có các biểu hiện của rối loạn tư duy, bị hoang tưởng, có ảo giác, rối loạn hành vi và các triệu chứng âm tính khác.
Rối loạn tư duy: với biểu hiện ghi nhận được ở người bệnh, họ cho rằng ý nghĩ của họ có khả năng vang lên thành tiếng nên tất cả mọi người đều có thể biết được, còn gọi là tư duy bộc lộ, tư duy bị phát thanh hoặc có ai đó đã đọc được ý nghĩ của họ mặc dù họ không nói ra, gọi là tư duy bị đánh cắp hay có ai đó đã áp đặt ý nghĩ vào đầu của họ gọi là tư duy bị áp đặt.
Tam than phan liet - benh thuong gap o nguoi tre hinh anh 1
Người bệnh tách dần ra khỏi với cuộc sống ở chung quanh để thu hẹp vào thế giới bên trong
Bị hoang tưởng: hoang tưởng là những ý tưởng phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế mà người bệnh tâm thần phân liệt vẫn cho là đúng; người khác không thể đả thông hay giải thích gì được. 
Thực tế bệnh tâm thần phân liệt thường có hoang tưởng bị kiểm tra, bị chi phối. Người bệnh nghĩ rằng có một người nào đó, một lực lượng nào đó đang kiểm tra, chi phối hoạt động của họ hoặc đang theo dõi, đầu độc, làm hại họ gọi là hoang tưởng bị theo dõi, liên hệ, bị hại, bị đầu độc. 
Ngoài ra còn có loại hoang tưởng siêu nhân với hiện tượng bệnh nhân tự cho rằng mình có khả năng làm việc kỳ diệu như có thể điều khiển được cả thế giới, điều khiển được thời tiết và khí hậu hoặc đang tiếp xúc với người của thế giới khác bên ngoài...
Có ảo giác: thường bệnh nhân có cảm nhận, nghe thấy những lời bình luận về hành vi hoặc thảo luận với nhau về người bệnh hay những tiếng nói khác xuất phát từ một bộ phận nào đó trong cơ thể của họ gọi là hiện tượng ảo thanh giả. 
Đồng thời có thể nhìn thấy, ngửi thấy, cảm thấy những gì mà người khác không thấy gọi là ảo thị, ảo khứu... Ngoài ra, cũng có thể kết hợp với tình trạng hoang tưởng liên hệ, ghen tuông, kiện cáo, nghi ngờ bệnh... kéo dài trong khoảng thời gian nhiều tháng.
Rối loạn hành vi: các rối loạn hành vi thường gặp như bị kích động vô cớ, đập phá, hò hét hay bất động giữ nguyên tư thế; không nói, không ăn do bị tăng trương lực...
Các dấu hiệu âm tính: người bệnh tâm thần phân liệt còn có biểu hiện của những dấu hiệu âm tính như: cảm xúc bị cùn mòn, khô lạnh; các đáp ứng cảm xúc không thích hợp, có biểu hiện xa lánh hay hằn học với mọi người, sống cô độc, đi lang thang hoặc có cơn lo sợ, giận dữ vô cớ. 
Ngôn ngữ trở nên nghèo nàn hay bị gián đoạn, thêm nhiều từ khi nói đến tư duy không liên quan hay lời nói không thích hợp; dùng ngôn ngữ bịa đặt, thường dẫn đến cách ly với xã hội; giảm sút hiệu suất học tập, làm việc, lao động. Biến đổi nhân cách, mất hết sự thích thú; trở nên vô cảm, lười nhác, thiếu mục đích, khó thích ứng với xã hội ở chung quanh.

Chẩn đoán

Việc chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt được xác định khi người bệnh có ít nhất một triệu chứng rõ rệt trong các nhóm biểu hiện dấu hiệu bệnh lý đã nêu trên. Cần chú ý đến các biểu hiện rối loạn tư duy, các hoang tưởng, tự cảm siêu nhân, ảo giác. 
Trong những trường hợp không rõ thì phải căn cứ vào hai dấu hiệu bệnh lý trở lên. Lưu ý các triệu chứng bệnh lý phải tồn tại một cách rõ rệt, kéo dài trong khoảng thời gian từ một tháng trở lên. Nếu xảy ra dưới một tháng thì phải chẩn đoán như một rối loạn tâm thần cấp tính giống phân liệt.
Thận trọng không chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt khi bệnh nhân đã có những bệnh về não rõ rệt, người bệnh nghiện ma túy và cai ma túy, nghiện rượu, bị chấn thương sọ não, chậm phát triển tâm thần hoặc có những rối loạn khác; loạn thần do hậu quả của các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc bệnh của cơ thể nặng. Cũng không chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt khi người bệnh có tuổi cao trên 70 vì ở nhóm tuổi này có nhiều rối loạn của các bệnh cơ thể như; tim mạch, nội tiết...
Tam than phan liet - benh thuong gap o nguoi tre hinh anh 2
Bệnh nhân có ảo giác, nghe thấy những lời bình luận về hành vi của mình.

Diễn biến bệnh lý

Bệnh tâm thần phân liệt có đặc điểm là tiến triển từ từ thành mạn tính và hay bị tái phát. Bệnh có thể diễn biến theo nhiều phương thức khác nhau sau đây:
Bệnh thuyên giảm hoàn toàn, người bệnh có khả năng trở lại trạng thái bình thường; nói năng, ứng xử, học tập, lao động, làm việc trở lại bình thường như trước khi bị mắc bệnh.
Bệnh chỉ thuyên giảm một phần, các biểu hiện bệnh lý như: kích động, hoang tưởng, ảo giác... có thể mất đi nhưng một số dấu hiệu bệnh lý khác vẫn còn biểu hiện như: thiếu linh hoạt, thiếu chủ động trong giao tiếp xã hội, hạn chế giao tiếp với những người ở chung quanh.
Bệnh tái phát là đặc điểm khá quan trọng của bệnh tâm thần phân liệt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh tái phát là do người bệnh uống thuốc an thần không đều, không tuân thủ đầy đủ việc điều trị của bác sĩ chuyên khoa. 
Ngoài ra, môi trường sống không thuận lợi, không dung nạp đối với căn bệnh và bệnh nhân; người bệnh bị hắt hủi, ngược đãi, bỏ rơi, không có nơi nương thân... cũng là con đường làm cho bệnh tái phát.
Lưu ý vai trò của những sang chấn tâm lý đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt cũng tạo nên ảnh hưởng rất lớn. Thực tế ghi nhận những sang chấn tâm lý, những căng thẳng trong các mối quan hệ như: thái độ diễu cợt, trêu ghẹo, ngược đãi, hành hạ hoặc sự phân biệt đối xử trong giao tiếp xã hội, trong phân công việc làm; vấn đề ly hôn, ly thân, những yêu cầu đề nghị không được áp ứng hợp lý... gây ra tác động làm bệnh tái phát. 
Ngoài ra, các  mất mát về tình cảm, danh dự, uy tín, đối diện trước cái chết của người thân... đều là những yếu tố làm cho bệnh tâm thần phân liệt dễ tái phát. Đồng thời do sự thúc đẩy khởi phát của một bệnh lý nào đó đang tiềm ẩn cũng có thể làm cho bệnh nặng hơn, biểu lộ rầm rộ hơn, làm cho đợt tái phát bệnh đến mau hơn. 
Những bệnh nhân tâm thần phân liệt thường rất nhạy cảm đối với các sang chấn tâm lý, nhất là những người bệnh không dùng thuốc an thần đều đặn; vì vậy cần quan tâm đến vấn đề này.
Các nhà khoa học khuyến cáo những dấu hiệu tái phát của bệnh tâm thần phân liệt cần được chú ý là: người bệnh cảm thấy trạng thái căng thẳng tinh thần ngày một tăng; thấy không thể thư giãn, hay lo lắng viển vông. Bị rối loạn giấc ngủ như: mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ... Bị mệt mỏi, dễ kích thích, cáu gắt. 
Thường hoảng sợ không có lý do. Có biểu hiện thu mình lại, không giao tiếp, bỏ ăn uống. Có thái độ thờ ơ với mọi người và với bản thân, không tự chăm sóc được bản thân... Người nhà bệnh nhân tâm thần phân liệt nên quan tâm đến những dấu hiệu tái phát này để phát hiện sớm bệnh lý nhằm có biện pháp xử trí phù hợp.

Điều trị bệnh

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt cho đến nay vẫn chưa được biết rõ nên việc chữa trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng tâm lý xã hội. Do trong thực tế có sự kết hợp giữa những yếu tố về sinh học và môi trường đối với cơ chế sinh bệnh nên việc điều trị phải phối hợp nhiều liệu pháp khác nhau tùy theo giai đoạn phát triển của bệnh. Có thể sử dụng liệu pháp tâm lý và dùng các thuốc chống loạn thần.
Về liệu pháp tâm lý: cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa phải thực hiện việc truyền thông giáo dục sức khỏe để làm cho gia đình người bệnh có được sự hiểu biết cần thiết, nhận thức được bệnh lý tâm thần phân liệt; cần cảm thông, chấp nhận, quan tâm trong việc đối xử và chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt là người thân của mình...
Dùng thuốc chống loạn thần: trong trường hợp người bệnh lên cơn tâm thần phân liệt cấp tính, phải cho bệnh nhân uống thuốc chống loạn thần và cố gắng nhanh chóng đưa người bệnh ra khỏi tình trạng loạn thần nặng như kích động, hoang tưởng, ảo giác... 
Các thuốc chống loạn thần đối với bệnh nhân là rất cần thiết, có tác dụng hiệu quả và thường được dùng để xử trí những trạng thái loạn thần cấp tính, chống tái phát, chống mạn tính hóa. Các loại thuốc được sử dụng đều là thuốc có tác dụng mạnh, phải được chỉ định dùng một cách hết sức thận trọng, cần theo dõi chặt chẽ việc cho uống thuốc; đồng thời vấn đề chọn thuốc, quy định liều lượng dùng phải chính xác, phù hợp với loại bệnh, thể bệnh và từng trường hợp bệnh nhân. 
Thuốc khởi đầu phải dùng liều thấp để thăm dò khả năng dung nạp của người bệnh, rồi sau đó tăng dần liều lượng cho đến mức có tác dụng điều trị hiệu quả; duy trì liều ổn định và giảm dần trước khi ngừng sử dụng thuốc theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Các thuốc chống loạn thần thiết yếu gồm hai loại: loại có tác dụng an thần mạnh như: haloperidol, aminazine. Loại có tác dụng an thần êm dịu: levomepromazine, tisercin, thioridazine, melleril... Tác dụng chính của thuốc là chống loạn thần: chống hoang tưởng, áo giác; gây tác dụng an thần, dịu cơn như chống kích động và giải ức chế như chống tính ì. 
Khi sử dụng điều trị, cần chú ý đến các tác dụng phụ của thuốc như gây dị ứng, hạ huyết áp; bị chứng ngoại tháp như: nét mặt cứng đờ, xoắn vặn thân thể, bồn chồn, vận động, chậm chạp, nói khó, khó nuốt, tăng tiết nước bọt, run đầu chi, tăng tiết mồ hôi, tăng tiết chất nhờn ở da...; đồng thời có thể bị vàng da, vàng mắt...
Nếu khi dùng thuốc, bệnh nhân ngủ lâu, đánh thức không dậy là biểu hiện sử dụng thuốc quá liều. Nếu kích thích đau, người bệnh chậm phản ứng là biểu hiện của ngộ độc cấp tính với tình trạng hôn mê; bệnh nhân cần phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. 
Đặc biệt cũng cần lưu ý đến hội chứng thần kinh ác tính như: sốt cao, mạch nhanh, nhịp thở nhanh, huyết áp dao động, vã mồ hôi...; trong trường hợp này phải ngừng sử dụng thuốc và nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay cơ sở điều trị để xử trí.

Lời khuyên của thầy thuốc

Mặc dù bệnh tâm thần phân liệt xảy ra trong cộng đồng chiếm tỉ lệ thấp khoảng từ 0,3 - 1% dân số nhưng chủ yếu ghi nhận ở những người có tuổi đời còn trẻ và trong độ tuổi lao động. Người bệnh thường tách dần ra khỏi cuộc sống chung quanh để thu hẹp mình lại với những mối quan hệ thân tình. Tình cảm của họ trở nên cứng nhắc, khô lạnh; có những ý tưởng, hành vi khó hiểu, kỳ dị, khác với người bình thường; khả năng học tập, làm việc và lao động bị giảm sút...
Hiện nay nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ, vì vậy cần theo dõi những biểu hiện bất thường để phát hiện sớm bệnh lý nhằm xử trí điều trị triệu chứng kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra và giúp người bệnh phục hồi chức năng tâm lý xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Theo TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh - Sức Khỏe và Đời Sống

                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgrbu8BhUfOAq6KzxZikjVoeKBAjgLLrgt7eQAW6LaENxgaLXGGy4MuLInESHNuYu8pqbmk_754B6A8yZqpjRtPFK6xoBFhy5m2vwwzAOazb0ifkHkpEhL3uXuWQkft-b01AfKuKpFgVdI/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

5 biểu hiện đột quỵ bạn cần biết


Chẩn đoán và điều trị sớm đột quỵ não là vấn đề rất quan trọng, vì vậy, mỗi người cần có kiến thức để nắm rõ được các triệu chứng đột quỵ để sơ cứu đúng cách và chữa trị kịp thời cho bệnh nhân.
Theo hiệp hội đột quỵ Hoa Kỳ những dấu hiệu sau đây cảnh báo các dấu hiệu của đột quỵ:
1. Đột ngột tê hay yếu của mặt, tay hay chân: Chân tay yếu là dấu hiệu  cảnh báo của bệnh đột quỵ. Thông thường thường biểu hiện rõ là một cánh tay hoặc một chân (hoặc cả hai) sẽ dần yếu đi và dẫn đến tê liệt. Biểu hiện sớm hơn có thể là tê mỏi một bên tay; vụng về trong những thao tác, công việc quen thuộc (ví dụ như gặp khó khăn khi viết, ăn uống); vẫn điều khiển được tay nhưng kém chính xác. Đối với chân đi dễ bị vấp ngã mà nguyên nhân không rõ ràng; bước đi khó khăn hoặc nặng nề hơn bình thường….
Mặt người bệnh biểu hiện cảnh báo đột quỵ thường có biểu hiện sớm có thể chưa méo nhưng khi nhìn kỹ sẽ thấy sự mất cân xứng,  nếp mũi, má bên yếu thường bị rũ xuống, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường. 
Khi cười biểu hiện méo có thể sẽ rõ hơn. Có trường hợp bệnh nhân có cảm giác tê, cứng nửa bên mặt . Vì vậy khi nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa cả hai tay lên. Kiểm tra để phát hiện nếu một tay rơi xuống.
2. Đột ngột rối loạn hay không hiểu lời nói: Gặp vấn đề khi nói là một trong những dấu hiệu thông thường nhất của người bị đột quỵ. Dấu hiệu sớm là người bệnh khó phát âm người bệnh sẽ cảm thấy khó nói ra một số từ rất đơn giản và người nghe thì không thể hiểu được. 
Tuy nhiên, ở một số trường hợp, người nghe có thể chưa nhận thấy bất thường nhưng chính bệnh nhân than phiền rằng họ cảm thấy khó khăn khi nói, hoặc môi, lưỡi bị cứng, tê. Khi đó, người nhà cần lưu ý để có thể nhận ra việc bệnh nhân nói không rõ, nói chậm hơn bình thường hoặc phải gắng sức khi nói. Nếu người nào đột nhiên không có khả năng phát âm một từ đúng thì có đến 80% nguy cơ mắc đột quỵ.
3. Đột ngột rối loạn thị giác: Người có những triệu chứng như: bị mờ ở cả hai mắt, một mắt không nhìn rõ, hoặc có thể có khó khăn khi nhìn về phía trái hay phải… thì bạn cần chú ý tới những triệu chứng này. Nhiều trường hợp mắt mờ, tầm nhìn bị hạn chế, thậm chí, nó có thể làm mất hoàn toàn thị lực ở một bên mắt. Đây là một dấu hiệu không thể bỏ qua và bạn cần đến bệnh viện để được  kiểm tra vì đây có thể là những triệu chứng liên quan tới bệnh đột quỵ.
4. Đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng: Thông thường chúng ta vẫn hay bị chóng mặt, có thể là do say nắng hoặc do bị ốm đột ngột. Nhưng nếu có thêm những triệu chứng như khó khăn trong việc đi lại, mất thăng bằng, dễ vấp ngã… thì bạn cũng nên chú ý, bởi lẽ những dấu hiệu này rất giống với triệu chứng của bệnh đột quỵ. Nếu đột ngột bị chóng mặt, buồn nôn hoặc gặp khó khăn khi đi bộ, nhiều người có thể nghĩ rằng bị cảm nhưng thực tế đây là biểu hiện của  đột quỵ
5  Đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân: Đau đầu không nhất thiết là triệu chứng của đột quỵ. Nhưng nếu chứng đau đầu tới một cách đột ngột và có cường độ mạnh rất có thể là những triệu chứng những người trẻ rất dễ bị đột quỵ. Một nghiên cứu cho thấy những người đã từng có triệu chứng đau đầu khi bị đột quỵ thường là những người trẻ và có tiền sử đau nửa đầu.
Theo BS Nguyễn Văn Liệu - Sức khỏe và Đời sống

                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgrbu8BhUfOAq6KzxZikjVoeKBAjgLLrgt7eQAW6LaENxgaLXGGy4MuLInESHNuYu8pqbmk_754B6A8yZqpjRtPFK6xoBFhy5m2vwwzAOazb0ifkHkpEhL3uXuWQkft-b01AfKuKpFgVdI/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

10 bài tập đơn giản nhưng đẩy vọt tư duy đến không ngờ

Sau đây là 10 bài tập nhỏ giúp kích thích sự phát triển của các liên kết thần kinh, cải thiện trí nhớ và giúp bạn thông minh hơn.


Neurobics là thuật ngữ dùng để mô tả các bài tập trí óc giúp não bạn hoạt động. Những bái tập này sẽ kích thích các vùng não khác nhau, khiến các tế bào thần kinh sản xuất chất dinh dưỡng tự nhiên giúp tăng đáng kể trí nhớ, và làm cho các tế bào thần kinh khỏe mạnh hơn, làm việc hiệu quả hơn. 
Hãy kiên trì những bài tập nghe có vẻ kỳ quái này vì chúng sẽ giúp ích rất nhiều đến việc học cũng như công việc hàng ngày của các bạn. Vì một bộ não khỏe mạnh.
Đánh răng bằng tay không thuận
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc sử dụng bán cầu não ít trội hơn có tác dụng mở rộng đáng kể và nhanh chóng diện tích bề mặt vỏ não.
Bài tập: Chỉ đơn giản là bạn đánh răng, mở ống nặn kem đánh răng bằng tay không thuận (bạn thuận tay trái thì đánh bằng tay phải và ngược lại). Bài tập này sẽ giúp bán cầu não ít hoạt động hơn của bạn có cơ hội “luyện tập”.
Tắm vòi sen với đôi mắt nhắm nghiền
Xúc giác kích hoạt nhiều phần khác nhau trong não bộ chúng ta. Chỉ với đôi tay mình, các bạn có thể cảm nhận chính xác cảm giác của cơ thể mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Tín hiệu xúc giác sẽ được gửi thẳng đến não bộ.
Bài tập: Hãy thử chỉ dùng xúc giác của bạn khi tắm. Bật vòi nước/vòi hoa sen và điều chỉnh dòng nước trên cơ thể bạn mà không cần nhìn chúng. Sau đó, tắm rửa sạch sẽ với đôi mắt nhắm nghiền, ngân nga bài hát mà bạn thích. Hãy nhớ cẩn thận, tránh làm chấn thương trong lúc “nhắm mắt tắm”.
Đừng rập khuôn thói quen buổi sáng
Nghiên cứu về não bộ đã chứng minh rằng việc kết hợp, thay đổi thứ tự các công việc hàng ngày của bạn giúp tăng độ dày vỏ não và cải thiện hoạt động não.
Bài tập: Tập thay đổi thứ tự những việc như mặc quần áo sau khi ăn sáng thay vì thay quần áo xong mới ăn sáng, hoặc vừa xem tivi vừa nghe nhạc. Đừng ép bạn vào một khuôn khổ hay thói quen cố định.
Lật ngược các vật dụng quen thuộc (theo nghĩa đen)
Chúng ta thường gặp vấn đề với những thứ không thuận hoặc các bài toán ngước. Đó là do não bộ chúng ta đã quen với việc nhìn mọi thứ theo chiều thuận. Hãy thay đổi điều này.
Bài tập: Lộn ngược các vật dụng quen thuộc như khung ảnh, đồng hồ treo tường hoặc lịch để bàn. Bạn có thể khó chịu lúc đầu nhưng dần dần, nó sẽ giúp bạn có phản xạ nhanh trước những thứ “ngược ngạo” và tăng khả năng xử lý của não bạn.
Tạo sợi dây liên kết giữa bộ não với mùi hương
Nhắc đến mùi cafe, chắc hẳn các bạn sẽ tưởng tượng ngay đến một ngày mới năng động cùng tách cafe nóng. Liên kết các mùi hương khác như bạc hà, vani, quế...với bất kỳ hoạt động nào trong cuộc sống có thể khiến đầu óc bạn tỉnh táo, minh mẫn.
Bài tập: Giữ mùi hương yêu thích của bạn ở gần giường (có thể là một mẩu quế, bạc hà hoặc các chiết xuất hương thơm khác). Hít thở mùi hương này khi vừa thức dậy, tắm xong hoặc khi đang mặc quần áo vào mỗi sáng có thể giúp não bộ hoạt động tốt hơn.
Kiểm tra các mặt hàng trong siêu thị
Trong tất cả các siêu thị, các sản phẩm thu lợi nhuận cao nhất luôn được đặt ngang tầm mắt. Đó là lý do tại sao khi đi mua sắm bạn không thực sự nhìn thấy tất cả mọi món hàng và điều này khiến não bạn như “lập trình sẵn” chỉ nhìn vào những thứ mà người khác muốn và mất dần khả năng khái quát, tổng hợp trong các lĩnh vực khác.
Bài tập. Khi đến siêu thị, bạn dừng lại ở lối đi, từ từ lui ra sau và nhìn bao quát từ trên xuống dưới các loại hàng hóa trên kệ. Nếu thấy sản phẩm nào bạn chưa từng thấy trước đây, hãy mạnh dạn xem nó là gì, kể cả thành phần của chúng mà không nhất thiết phải mua. Việc này giúp đầu óc bạn phá vỡ những suy nghĩ thông thường và có thể đưa ra những cái nhìn toàn diện.
Giao tiếp nhiều hơn trong ngày.
Nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, việc hạn chế giao tiếp hằng ngày có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng nhận thức của não bộ.
Bài tập: Mua đồ ăn, thức uống trực tiếp tại các cửa hàng chứ không phải từ các máy bán hàng tự động. Chủ động giao tiếp xã giao với hàng xóm, đồng nghiệp và tất nhiên với người thân trong gia đình. Duy trì quan hệ giao tiếp không chỉ giúp cho não bộ bạn hoạt động tốt mà còn củng cố các mối quan hệ xã hội.
Đọc sách theo những cách khác nhau
Việc tiếp thu kiến thức trong sách bằng nhiều cách, cả thụ động và chủ động sẽ giúp não bộ bạn hoạt động đa dạng và không bị “ì” khi phải làm đi làm lại việc nào đó.
Bài tập: Hãy thay đổi thói quen đọc của bạn. Thay vì chỉ đọc bằng mắt, bạn có thể kết hợp đọc thầm, đọc to thành tiếng hoặc nghe người khác đọc. Nếu không có người đọc, bạn có thể tìm nghe sách “nói” . Những cách này làm thời gian đọc sách của bạn kéo dài thêm nhưng bù lại, bạn sẽ ghi nhớ nội dung cuốn sách tốt hơn.
Trò chơi với các đồng xu
Chúng ta thường bị phụ thuộc vào tín hiệu thị giác để phân biệt các đối tượng, vật thể. Điều này vô tình làm suy giảm các giác quan khác như khứu giác, xúc giác và thính giác. Vậy nên, hãy tìm cách cho các giác quan khác cùng hoạt động.
Bài tập: Bạn có thể để một nắm đồng xu trong túi áo. Những lúc rảnh rỗi, hay cho tay vào túi áo, mân mê các đồng xu và thử đoán mệnh giá của chúng. Hoặc bạn có thể dành những thới gian rảnh để lắng nghe mọi âm thanh xung quanh mình và cố đoán xem các âm thanh đó đến từ đâu hoặc được tạo ra thế nào.
Chơi “10 điều”
Hãy nhớ rằng, việc bắt não bạn hoạt động thường xuyên theo nhịp độ khác nhau sẽ giúp đầu óc chúng ta khỏe mạnh và đầy sáng tạo. Bạn không cần suy nghĩ quá nhiều, chỉ cần tập trung vào những điều bình thường trong cuộc sống.
Bài tập: Đưa ra một sự việc hoặc đồ vật, sau đó liên tưởng đến 10 thứ tương tự hoặc có liên quan. Ví dụ: một cái vỉ đập ruồi trong giống vợt tennis, gậy đánh golf, dùi cui, violin, đàn guitar, cái xẻng hay bất cứ thứ gì theo trí tưởng tượng của bạn. Cứ như thế, bạn có thể có ý tưởng “uống cafe trên sao Hỏa” chỉ sau vài lần đặt câu hỏi “Chúng ta uống cafe ở đâu?”.
Tổng hợp dựa trên cuốn "Keep Your Brain Alive" của nhà nơ-ron học Lawrence C.Katz.


                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgrbu8BhUfOAq6KzxZikjVoeKBAjgLLrgt7eQAW6LaENxgaLXGGy4MuLInESHNuYu8pqbmk_754B6A8yZqpjRtPFK6xoBFhy5m2vwwzAOazb0ifkHkpEhL3uXuWQkft-b01AfKuKpFgVdI/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons