Viêm tủy cắt ngang là một
loại bệnh lý tương đối hiếm gặp với các tổn thương viêm ở tủy sống dẫn đến các
triệu chứng như yếu cơ, rối loạn cảm giác và chức năng hệ thần kinh giao cảm...
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ từ 5 - 15 tuổi, nguyên nhân
không rõ ràng nhưng thường kết hợp với bệnh nhiễm virut không đặc hiệu.
Thủ phạm gây bệnh
Có một số yếu tố được cho là
nguyên nhân của viêm tủy cắt ngang như: nhiễm một số loại virut có phát ban:
Rubeola, Variola, Varicella, Rubella, Influenza, quai bị. Nhiễm vi khuẩn
Mycoplasma cũng có khả năng gây viêm tủy cắt ngang. Vi khuẩn và virut làm tổn
thương tủy sống theo hai cơ chế: trực tiếp lên các khoanh tủy và gián tiếp theo
cơ chế phức hợp miễn dịch. Hai cơ chế này có thể riêng rẽ hoặc phối hợp cùng
nhau.

Tổn thương viêm tủy cắt ngang
trên phim cộng hưởng từ.

Virut Rubella là nguyên nhân
gây viêm tủy cắt ngang.
Viêm tủy cắt ngang cũng có
thể là triệu chứng đầu tiên của bệnh xơ cứng rải rác (multiple sclerosis), một
loại bệnh tự miễn với các tổn thương cơ bản ở bao myelin của các sợi trục thần
kinh. Trong trường hợp này, triệu chứng của bệnh thường chỉ ở một bên của cơ
thể.
Viêm tủy - thị thần kinh
(Neuromyelitis optica) cũng là một nguyên nhân trong đó có sự kết hợp thương
tổn giữa tủy sống và các dây thần kinh thị giác. Biểu hiện của bệnh, bên cạnh
triệu chứng của viêm tủy cắt ngang, có thêm giảm hoặc mất thị lực, liệt cơ vận
nhãn... tuy không phải trường hợp nào cũng có các triệu chứng này.
Viêm tủy cắt ngang cũng có
thể xuất hiện sau tiêm một số vắc-xin như sởi, quai bị, bạch hầu, viêm gan B,
uốn ván... Người ta cho rằng, các vắc-xin
này có thể đóng vai trò như là những chất kích hoạt (trigger) cho sự
khởi phát của bệnh.
Viêm tủy cắt ngang có liên
quan đến các bệnh ác tính (ung thư) ít gặp trên thực tế lâm sàng. Cho đến nay, chỉ
có một số trường hợp được báo cáo và người ta cho rằng khi bị ung thư, cơ thể
sinh kháng thể chống lại khối u và gây phản ứng chéo với cả các tế bào thần
kinh của tủy sống.
Một số các bệnh tự miễn khác
như lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren (với các biểu hiện như khô mắt,
miệng, da, niêm mạc mũi, âm đạo...) cũng có kèm tổn thương điển hình của bệnh
viêm tủy cắt ngang và trong nhiều trường hợp có cả tổn thương thị giác kèm
theo.
Biểu hiện khi bị viêm tủy cắt
ngang
Tủy sống là nơi tập trung
những sợi thần kinh vận động đi xuống thân và các chi cũng như các sợi thần
kinh cảm giác đi theo chiều ngược lại nên khi tủy sống bị tổn thương, các tín
hiệu dẫn truyền thần kinh bị rối loạn và thậm chí bị cắt đứt dẫn đến các triệu
chứng như yếu cơ, liệt cơ, rối loạn cảm giác và khu vực bị ảnh hưởng ở thấp bên
dưới khoanh tủy có các sợi thần kinh chi phối. Các cơ bị liệt có thể là cơ hô
hấp (cơ liên sườn, cơ hoành, cơ ức đòn chũm, cơ thang) hay các cơ ở chi trên,
chi dưới. Các rối loạn cảm giác hay gặp là cảm giác tê bì, kiến bò, bỏng rát,
đau nhói, đau các cơ ở cổ, đau lưng, đau bụng. Rối loạn cơ tròn là một triệu
chứng thường có với biểu hiện bí tiểu, táo bón. Triệu chứng nặng hay nhẹ phụ
thuộc vào vị trí và tổn thương tủy sống nhiều hay ít. Bệnh nhân sẽ rất nặng nếu
có liệt cơ hô hấp dẫn đến khó thở và nhiều trường hợp phải thở máy.
Chẩn đoán xác định viêm tủy
cắt ngang dựa vào tình trạng bệnh nhân và các phương pháp cận lâm sàng như chọc
dịch não tủy, chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống có khuếch đại bằng gadolinium
sẽ thấy rõ mức độ và vị trí của tổn thương.
Giải pháp nào cho căn bệnh?
Điều trị viêm tủy cắt ngang
bao gồm hai liệu pháp chủ yếu: sử dụng steroid và thay huyết tương (plasma
exchange). Steroid được sử dụng sớm ngay trong giai đoạn cấp nhằm mục tiêu chống
viêm, ức chế miễn dịch làm giảm tổn thương. Hoạt chất được dùng là
methylprednisolon 1.000mg hoặc dexamethason 200mg tiêm tĩnh mạch trong 3 - 5
ngày. Quyết định dùng tiếp steroid hay không phụ thuộc tiến triển của triệu
chứng và kết quả chụp MRI sau 5 ngày điều trị. Bên cạnh steroid, cũng có thể sử
dụng các thuốc ức chế miễn dịch khác như cyclophosphamid. Thay huyết tương nhằm
mục tiêu loại bỏ phức hợp kháng nguyên kháng thể khỏi máu bệnh nhân và được chỉ
định cho những thể viêm tủy cắt ngang trung bình và nặng (có liệt cơ nhiều).
Liệu pháp này có thể dùng sau khi sử dụng steroid thất bại hoặc dùng ngay từ
đầu. Các biện pháp khác như cho thở máy nếu bệnh nhân có suy hô hấp do liệt cơ,
nuôi dưỡng, bù nước điện giải... cũng hết sức cần thiết.
TS. BS. Vũ Đức Định
Tần suất mắc bệnh viêm tủy
cắt ngang vào khoảng 1 - 8 trường hợp trên 1 triệu dân/năm với xấp xỉ 1.400 ca
mới mắc, xảy ra ở mọi lứa tuổi (từ 6 tuổi trở lên), tần suất hay gặp hơn ở nhóm
tuổi từ 10 - 19 và 30 - 39 tuổi. Viêm tủy cắt ngang cũng hay gặp ở trẻ em
(khoảng 25% số bệnh nhân) và không có tính chất gia đình cũng như khả năng tái
diễn mặc dù có một tỷ lệ nhỏ số bệnh nhân có thể bị mắc lại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét