Nhớ lâu, nhớ nhiều, nhớ nhanh hay nói một cách khác: trí nhớ
tốt, là những điều mà ai cũng muốn có, nhất là đối với các sĩ tử đang gấp rút
chuẩn bị cho kỳ thi đại học năm nay. Để có được trí nhớ tốt, ít ai biết rằng,
ngoài khả năng “trời phú” thì việc rèn luyện và phương pháp tốt cũng góp phần
cực kỳ quan trọng.
Các hình thức của trí nhớ
Trí nhớ bao gồm hai hình thức chính: trí nhớ ngắn hạn và trí
nhớ dài hạn. Trí nhớ ngắn hạn là trí nhớ đối với sự vật, hiện tượng vừa xảy ra
cách đây vài phút, vài giờ, vài ngày. Loại trí nhớ này dễ bị ảnh hưởng bởi các
sang chấn như bị chấn thương sọ não, bị tai biến mạch máu não, viêm não... Và
khi trí nhớ ngắn hạn không tốt sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ dài hạn. Trí nhớ dài
hạn là loại hình trí nhớ đối với các sự vật, hiện tượng, những điều bạn đã trải
qua trong nhiều ngày, nhiều tháng hoặc một thời gian rất dài trước đó như những
kỷ niệm thời thơ ấu, hình ảnh ông bà đã mất... Đây là những thông tin cũ, được
lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc có những ấn tượng sâu sắc khiến bạn không bao giờ
quên. Trí nhớ dài hạn là trí nhớ có khuynh hướng không bị mất đi sau những sang
chấn hoặc bệnh tật.
![]() |
Ngoài hai loại hình trí nhớ trên, còn có loại hình trí nhớ
ngay tức thì (đang hoạt động) ở thời điểm hiện tại, ví dụ như bạn đang tìm kiếm
một địa chỉ, đang tìm kiếm một số điện thoại bạn vừa được người khác cung cấp
hay bạn đang làm tính nhẩm cộng trừ nhân chia. Người ta cũng nói đến loại trí
nhớ thứ tư là loại trí nhớ trong tương lai. Đây là khả năng nhớ một việc gì đó
trong tương lai như nhớ đến một cuộc hẹn, đi nghỉ mát, bay một chuyến ra nước
ngoài...
10 nguyên tắc giúp nhớ tốt
Nguyên tắc thứ nhất là bạn phải hết sức tập trung để ghi lại
những điều cần nhớ: Nếu bạn không tập trung, chỉ nhìn và nghe dưới dạng tiềm
thức (dưới ý thức) hay là ghi nhận thông tin một cách lơ đễnh, bạn sẽ không thể
nhớ nhanh và lâu. Trong khi tập trung để nhớ, cố gắng tìm được những gì đặc
biệt nhất ở điều cần nhớ ví dụ như anh bạn vừa gặp có dáng người cao quá khổ,
đường phố lạ có nhiều hoa màu đỏ...
![]() |
Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc lặp lại: Bạn phải thường
xuyên lặp lại những điều muốn nhớ để tạo “lối mòn” trong não, hay nói một cách
khác: biến trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn. Một người dù nhớ tốt đến đâu
cũng sẽ quên ngay sau vài ngày những điều mà không được lặp lại trong ký ức.
Đây chính là mấu chốt của việc học những môn “thuộc lòng” như ngoại ngữ, những
bài văn, câu thơ mẫu. Văn ôn, võ luyện chính là một cách luyện trí nhớ tạo phản
xạ có điều kiện để có thể nhớ lâu, nhớ dai.
Nguyên tắc thứ ba là nguyên tắc tạo “dấu ấn”: Khi bạn định
nhớ một sự vật, hiện tượng gì đó, bạn cố gắng tạo dấu ấn bằng cách tìm những
điều đặc biệt ở chúng, ví dụ như bạn có một số điện thoại cần nhớ là 827391,
bạn sẽ nhớ rất nhanh nếu tìm ra đặc điểm của dãy số trên là tổng mỗi nhóm 2 số
liền nhau bằng 10 (8 + 2 = 7 + 3 = 9 + 1) và số lớn 8, 7, 9 luôn đứng trước số
nhỏ. Cũng có thể nhớ theo kiểu “thu gọn” thông tin ví dụ như câu “How are you?”
bạn thu gọn bằng các chữ cái đầu tiên: “HAY”?.
![]() |
Nguyên tắc thứ tư là nguyên tắc “liên hệ”: Khi bạn định nhớ
điều gì, bạn hãy cố gắng liên hệ điều đó có liên quan đến những gì khác không,
ví dụ chiếc áo này tôi được tặng dịp sinh nhật...
Nguyên tắc thứ năm là nguyên tắc va chạm: Bạn sẽ phải chủ
động tạo tần số va chạm với thông tin để tăng khả năng nhớ, ví dụ như học ngoại
ngữ bạn phải tiếp xúc và nói nhiều, học từ vựng bằng phiếu từ vựng hoặc thậm
chí viết đầy các từ mới treo ở những chỗ dễ quan sát hàng ngày.
Nguyên tắc thứ sáu là nguyên tắc hiểu biết cặn kẽ về thông
tin: Bạn không thể nhớ lâu nếu bạn không hiểu về thông tin bạn cần phải nhớ.
Điều này thật sự có ý nghĩa nếu như bạn cần phải học những môn có tính suy luận
cao như toán, các đặc điểm bệnh lý trong y học. Đối với những lĩnh vực này, bạn
không thể nhớ nổi vì lượng thông tin rất dài và khó nhớ.
Nguyên tắc thứ bảy là nguyên tắc “thực hành” hay cảm nhận
thông tin càng rõ ràng, cụ thể càng tốt thông qua các giác quan. Cổ nhân có câu
“trăm nghe không bằng một thấy”, sau khi đã “thấy” rồi, bạn lại được tự tay làm
thì sẽ không bao giờ quên. Nguyên tắc này cực kỳ quan trọng đối với những môn
học phải thực hành nhiều như ngoại ngữ, tin học. Bạn có thể ngồi cả ngày học
một vài mẫu câu rồi sau đó vẫn quên nhanh chóng, nhưng chỉ cần một vài lần tiếp
xúc với người bản ngữ và nghe họ nói,
bạn sẽ nhớ cả đời.
Nguyên tắc thứ tám là nguyên tắc suy luận: Theo nguyên tắc
này, bạn chỉ cần nhớ một ý chính của điều cần nhớ, từ đó suy ra những điều còn
lại, ví dụ như bạn chỉ cần nhớ từ “nước biển”, những điều suy ra là “mặn”,
“không thể uống được”, “để làm muối”...
Nguyên tắc thứ chín là nguyên tắc hỗ trợ: Bạn nên sử dụng
các công cụ hỗ trợ cho trí nhớ như điện thoại nhắc lịch, thời khóa biểu, sắp
xếp theo thứ tự quan trọng những việc cần làm...
Nguyên tắc thứ mười - là nguyên tắc quan trọng nhất - nguyên
tắc tạo đam mê: Khi bạn đã tìm được niềm thích thú, nỗi đam mê đối với mỗi môn
học, mỗi sự vật, hiện tượng, mỗi con người, đương nhiên, việc nhớ những thông
tin có liên quan là chuyện cực kỳ dễ dàng và đơn giản thông qua việc bạn sẽ
thực hiện bằng mọi nguyên tắc (trong đó có 9 nguyên tắc ở trên) để nhớ... càng
lâu càng tốt.
TS.BS. Vũ Đức Định
0 nhận xét:
Đăng nhận xét