Vừa qua, ở bệnh viện Bệnh Nhiệt
đới thành phố Hồ Chí Minh đã có bệnh nhân bị viêm màng não do ăn ốc sên.
Thời gian trước đây cũng có những ca bệnh viêm não, màng não tương tự
cũng do bệnh nhân ăn loại ốc này. Do đó việc hiểu biết để tránh nguy cơ
bị mắc bệnh trở nên quan trọng đối với mọi người.
Vì sao ăn ốc sên bị viêm não?
Ốc sên có ở mọi vùng miền của nước ta, chúng là vật
chủ mang mầm bệnh gây viêm não và màng não do bị nhiễm ấu trùng của giun
tròn Angiostrongylus cantonensis. Giun tròn có ở nhiều nơi trên thế
giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ở nước
ta các công trình nghiên cứu khoa học đã phát hiện giun tròn phân bố từ
Bắc đến Nam, hiện diện ở cả người và động vật; xác định nguồn bệnh chủ
yếu là các loại ốc, tôm, cua, cá... bị nhiễm mầm bệnh; bệnh được lây
truyền theo đường tiêu hóa do ăn phải các loại thức ăn, nước uống bị
nhiễm ấu trùng giun tròn còn sống; mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm
bệnh.
![]()
Sơ đồ gây bệnh viêm não của ốc sên.
|
Trong cơ thể ốc, ấu trùng giun biến thành kén.
Chuột ăn phải ốc, tôm, cua, cá, rau... có nhiễm ấu trùng giun tròn thì
bị nhiễm bệnh. Vào cơ thể chuột, ấu trùng giun sẽ phát triển thành giun
trưởng thành và ký sinh ở động mạch phổi của chuột. Người bị nhiễm ấu
trùng giun tròn do ăn phải ốc sên, ốc khác, tôm, cua, cá... hoặc ăn rau
sống, uống nước lã có ấu trùng. Ấu trùng giun tròn vào cơ thể người qua
đường tiêu hóa, chúng xuyên qua thành ruột, theo đường máu đến não hoặc
đến các phủ tạng khác. Ấu trùng giun tròn gây ra bệnh viêm não, màng não
rất nguy hiểm.
Chu kỳ phát triển của giun tròn ở chuột gồm các giai
đoạn: phát triển ở hệ thần kinh trung ương, rồi ở phổi. Còn ở người,
giun tròn chỉ ký sinh ở hệ thần kinh trung ương, không đi đến phổi được
nên không thể hoàn thành chu kỳ phát triển. Nhưng trên thực tế, ở nước
ta đã gặp trường hợp giun tròn ở phổi của người; ấu trùng giun lạc chỗ
vào gây bệnh ở mắt.
Biểu hiện viêm não, màng não do nhiễm giun tròn
Sau khi ấu trùng giun tròn xâm nhập vào cơ thể người
sẽ gây ra triệu chứng viêm não, viêm màng não biểu hiện: bệnh nhân bị
nhức đầu dữ dội, nhưng chỉ sốt nhẹ hoặc không sốt; có khoảng 15% bệnh
nhân bị kích thích màng não. Bệnh nhân có thể bị viêm các dây thần kinh
gây liệt mặt, mắt nhìn đôi, rối loạn cảm giác; hội chứng não, tâm thần:
nói lảm nhảm, mất thăng bằng, mất trí nhớ, hôn mê... Xét nghiệm thấy
bạch cầu ái toan tăng cao trong dịch não tủy và trong máu. Protein trong
dịch não tủy cũng tăng. Nếu bệnh nhân tử vong, mổ tử thi thấy ấu trùng
giun tròn ở trong não.
Giun tròn Angiostrongylus cantonensis.
|
Chẩn đoán xác định bệnh phải dựa vào : kết quả xét
nghiệm dịch não tủy thấy bạch cầu ái toan tăng cao, có triệu chứng lâm
sàng của hội chứng não và tâm thần, trước đó bệnh nhân có ăn các loại ốc
sên, ốc, tôm, cua, cá... chưa nấu chín hoặc uống nước lã , ăn rau sống;
sống sinh hoạt trong vùng có dịch bệnh.
Khi đã phát hiện bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng giun
tròn với các triệu chứng bị viêm não, màng não cần phải điều trị tích
cực. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chủ yếu là điều trị
triệu chứng. Thuốc để diệt ấu trùng giun tròn có thể dùng là :
thiabendazole là loại có hiệu lực cao đối với ấu trùng giun mới xâm nhập
vào cơ thể. Đến giai đoạn sau, phải điều trị triệu chứng kết hợp với
thuốc corticoide.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh viêm não do ấu trùng giun tròn mọi
người cần thực hiện ăn chín uống sôi. Cụ thể không nên ăn ốc, tôm, cua,
cá... còn sống hoặc chưa nấu chín kỹ. Hạn chế ăn rau sống, nhất là rau
thủy sinh như rau muống, rau cần, rau ngổ ( ngò trâu), rau răm, sen,
súng…Không uống nước lã, nước đá vì đá có thể làm từ nước chưa nấu chín
bị nhiễm bẩn. Tích cực diệt chuột bằng mọi phương pháp để tránh nguy cơ
chuột sống gần khu dân cư thải phân lẫn mầm bệnh ra môi trường sống.
Không nên ăn ốc sên, nhất là ăn ốc sên chế biến chưa chín kỹ. Người lớn
và trẻ em không nên tắm ở ao, hồ, sông, suối, đặc biệt không để nước xâm
nhập vào miệng, mũi khi tắm rửa.
BS. Bùi Thị Thu Hương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét