(SKDS) - Lao
màng não xuất hiện khi vi khuẩn lao đi theo đường máu đến tấn công não
và màng não. Căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở người lớn, lao
màng não thường gặp ở lứa tuổi 20-50, nam bị nhiều hơn nữ. Ở trẻ em,
bệnh hay gặp ở lứa tuổi 1-5. Bệnh khởi đầu với những triệu chứng không
đặc hiệu: nhức đầu, chóng mặt, ù tai; có người bị co giật khu trú, liệt,
nói sảng, buồn bã... khá giống với các bệnh thông thường như cảm cúm,
rối loạn tiền đình, viêm xoang, rối loạn tâm lý. Nhìn chung, các triệu
chứng bệnh ở giai đoạn này khó nhận biết nên rất dễ bị bỏ qua.
Theo thống kê, mặc dù chỉ chiếm tỉ lệ thấp (khoảng 5%) nhưng lao màng
não là thể lao ngoài phổi có tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong còn cao và
thường để lại di chứng nặng: Nếu nhập viện muộn (khi đã hôn mê sâu), tỷ
lệ tử vong ở bệnh nhân lao màng não lên đến 70-80%. Những người còn sống
có thể gặp biến chứng nặng nề như sống đời sống thực vật, động kinh, mù
mắt, liệt dây thần kinh 3 hoặc 4, liệt nửa người hoặc 2 chi dưới, thiểu
năng trí tuệ, thay đổi tính tình, béo phì, vô kinh ở nữ giới, đái tháo
nhạt,...
![]()
Vi khuẩn lao dưới kính hiển vi.
|
Cũng giống như các bệnh lao khác, lao màng
lão nếu được phát hiện sớm, dùng các thuốc điều trị lao đặc hiệu và các
biện pháp hồi sức tích cực, việc chẩn đoán và điều trị bệnh ngày càng
đạt được kết quả khả quan, tỷ lệ tử vong và di chứng do bệnh đã giảm
đáng kể.
|
Các biểu hiện rối loạn ý thức có thể có với mức từ nhẹ đến nặng
(hôn mê). Do các biểu hiện này cũng gặp ở các bệnh về não khác như u
não, xuất huyết não, màng não, viêm màng não mủ, viêm màng não do nấm...
nên bệnh nhân và ngay cả thầy thuốc cũng chẩn đoán nhầm, tập trung điều
trị các bệnh về não mà bỏ qua việc điều trị lao.
![]()
Cấu tạo màng não tủy.
|
Chẩn đoán xác định lao màng não là một việc không dễ dàng. Phương
pháp xác định hiệu quả nhất (cấy vi khuẩn) cũng chỉ cho kết quả sau 2
tháng và có đến 50% trường hợp bị âm tính giả (có bệnh nhưng xét nghiệm
không tìm ra vi khuẩn). Căn bệnh này lại chưa có vắc-xin phòng ngừa đặc
hiệu. Chính vì thế, để phòng bệnh, khi thấy cơ thể có những triệu chứng
nhức đầu, chóng mặt, ù tai kéo dài, bệnh nhân nên đến bệnh viện để kiểm
tra sức khỏe.
Đặc biệt, những người đã mắc các thể lao khác (như lao phổi, lao
hạch, lao tiết niệu, lao xương...); những người sức đề kháng suy giảm do
suy dinh dưỡng, sau nhiễm virut, không tiêm BCG, nhiễm HIV, đái tháo
đường,… cần tuân thủ tốt hướng dẫn điều trị, có chế độ dinh dưỡng đầy
đủ, không làm việc quá sức để vi khuẩn lao không có cơ hội tấn công vào
não.
BS. Trần Hạnh Hoa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét